Hội nghị phê duyệt Thuyết minh và tuyển chọn chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ “Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh - Thực trạng và giải pháp”
Ngày 24/3/2025, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT) tổ chức Hội nghị phê duyệt Thuyết minh và tuyển chọn chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ “Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh - Thực trạng và giải pháp” (Hội nghị). Đề tài do ThS. Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương đăng ký làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Văn Thanh - Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị.
Theo ThS. Nguyễn Hồng Điệp , các nông, lâm trường quốc doanh là tổ chức kinh tế Nhà nước được hình thành và phát triển trên 60 năm, được Nhà nước giao đất để quản lý và sử dụng diện tích đất rừng khá lớn vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc phát huy hiệu quả sử dụng đất đai, rừng và các nguồn lực sẵn có để làm tốt hơn vai trò đối với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của các nông, lâm trường, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, mặc dù Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo nhưng tình hình tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai nông, lâm trường diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm; đặc biệt, gần đây tình hình tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có nhiều diễn biến phức tạp…
Đề tài có mục tiêu đánh giá thực trạng, đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Để làm rõ mục tiêu đề ra, Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Những vấn đề chung về tranh chấp, khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; ii) Thực trạng tranh chấp, lấn chiếm và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; iii) Quan điểm và giải pháp giải quyết tranh chấp, khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trong phần nhận xét của các thành viên Hội đồng, ThS. Hoàng Hưng - Vụ trưởng Vụ I - Thanh tra Chính phủ, Ủy viên phản biện 1 cho rằng, việc nghiên cứu đề tài là cần thiết, nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; kết quả nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao. Đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài rà soát thêm các công trình nghiên cứu có liên quan, nhằm tránh sự trùng lắp trong quá trình nghiên cứu.
Theo ThS. Văn Tiến Mai - Phó Cục trưởng Cục 5 - Thanh tra Chính phủ, Ủy viên phản biện 2, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn. Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu xem có nghiên cứu cả 2 vấn đề là tranh chấp và giải quyết khiếu nại không? Theo ông Mai, hướng nghiên cứu đề tài cần được thiết kế tập trung vào cả 2 vấn đề này, từ đó, cần rà soát toàn bộ nội dung nghiên cứu để đảm bảo tính logic của Đề tài.
TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Ủy viên Hội đồng cho rằng, việc nghiên cứu đề tài là cần thiết và quan trọng. Đối với các thành viên tham gia nghiên cứu, có thể bổ sung thêm các thành viên từ Viện CL&KHTT đa có kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu. Nội dung 1, Đề tài cần bổ sung thêm nội dung nhận diện các tranh chấp trong lĩnh vực đất đai; yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; năng lực trình độ của cán bộ tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Nội dung 2 cần bổ sung thêm phần đánh giá thực trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này. Nội dung 3, cần quan tâm đến giải pháp tổ chức thực hiện…
ThS. Nguyễn Sỹ Giao - Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện CL&KHTT, Ủy viên thư ký, Đề tài cần rà soát mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và khuôn lại ngắn gọn hơn; trong phần thuyết minh, các báo cáo cần có số liệu cụ thể để tăng tính thuyết phục cho vấn đề được đưa ra.
TS. Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng, việc nghiên cứu đề tài này là rất cần thiết. Đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu ý kiến từ thành viên Hội đồng; phần cơ sở lý luận cần ngắn gọn và tập trung phân tích làm rõ thực trạng ở nội dung 2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh liên quan đến việc tranh chấp đất đai có nhiều lợi ích, và liên quan đến khiếu nại, tố cáo đông người, do vậy, Đề tài cần bám sát nội dung này để phân tích, làm rõ nội dung nghiên cứu. Đề tài cân nhắc giới hạn phạm vi nghiên cứu tại một số địa phương cụ thể và phân tích đặc điểm của từng khu vực để thấy rõ đặc thù tranh chấp đất đai; nên bổ sung thêm cơ chế quản lý trung gian của các chủ thể là những tổ chức, công ty có yếu tố nhà nước, vì đây là những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại đất đai có liên quan đến nông, lâm trường quốc doanh…; nội dung, phương pháp nghiên cứu tiếp thu ý kiến thành viên Hội đồng để hoàn thiện thuyết minh; thành viên nghiên cứu có thể bổ sung thêm từ Viện CL&KHTT, Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ.
Kết thúc Hội nghị, với kết quả đánh giá, chấm điểm của các thành viên Hội đồng, Thuyết minh đề tài được phê duyệt để triển khai nghiên cứu./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng