Tiềm lực khoa học    

- Về kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu

Từ năm 1992 đến nay, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và các tổ chức tiền thân đã chủ trì nghiên cứu thành công 05 đề tài khoa học cấp quốc gia, 126 đề tài khoa học cấp bộ, 147 đề tài khoa học cấp cơ sở, hàng trăm chuyên đề khoa học độc lập, sách chuyên khảo, giáo trình, tài liệu tham khảo, hướng dẫn và tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nghiệp vụ; đã chủ trì tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều nghiên cứu, khảo sát thực tiễn với quy mô và đối tượng khác nhau về các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, quản lý nhà nước, tổ chức cán bộ…theo yêu cầu của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thanh tra Chính Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương và theo đề nghị của các đối tác khoa học trong và ngoài nước.

Các sản phẩm nghiên cứu nói trên đã đóng góp trực tiếp cho việc ban hành mới hoặc bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản chính sách - pháp luật quan trọng như: Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 - sửa đổi, bổ sung năm 2000, Luật thanh tra năm 2004, Luật thanh tra năm 2010; Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 -  sửa đổi bổ sung các năm 2007, 2012 và 2018; Chiến lược Quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020; Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 sửa đổi bổ sung 2004 và 2005; Luật khiếu nại năm 2011, Luật tố cáo năm 2011 sửa đổi 2018, Luật tiếp công dân năm 2013, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật hình sự… và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, rất nhiều vấn đề khoa học mà cách đây nhiều thập niên còn hết sức mới mẻ nhưng công tác nghiên cứu khoa học của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đã tiên phong tiếp cận nghiên cứu với nhiều sản phẩm đã và đang được chuyển hóa vào các văn bản chính sách - pháp luật, chẳng hạn như các vấn đề: Tài phán hành chính; tham nhũng và phòng chống tham nhũng trong khu vực tư; trách nhiệm pháp lý của pháp nhân có hành vi tham nhũng; vai trò của xã hội trong phòng chống tham nhũng; địa vị pháp lý và mô hình cơ quan phòng chống tham nhũng; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xây dựng văn hóa liêm chính phòng chống tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập và thu hồi tài sản tham nhũng; xử lý hình sự và hành chính đối với hành vi tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng; kiểm soát xung đột lợi ích nhằm phòng chống tham nhũng; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng; vấn đề địa vị chính trị - pháp lý của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra; quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng; vấn đề hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan kiểm tra của Đảng; quy trình nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; bảo đảm quyền của các chủ thể trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng; kiểm soát hoạt động thanh tra…

- Về công tác thông tin - tuyên truyền kết quả nghiên cứu khoa học

Rất nhiều sản phẩm nghiên cứu của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và các tổ chức tiền thân đã được biên tập thành sách, chuyên khảo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, bản tin khoa học và được phát hành rộng rãi hoặc chuyển hóa thành các bài viết trên Trang tin điện tử của Viện, các tạp chí, trang tin và diễn đàn của các cơ quan, đơn vị khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nghiên cứu, tham khảo… Tiêu biểu là các sách, bài viết, giáo trình với các tiêu đề như: Hệ thống tài phán hành chính của Cộng hòa liên bang Đức (1992); Tài phán hành chính ở Thụy Điển, Trung Quốc, Vương quốc Thái Lan (1992); Tài phán hành chính ở một số nước và những nhận xét tổng quát (1992); Một số vấn đền về tài phán hành chính ở Việt Nam (1993); Hỏi - đáp về pháp luật (1995); Thanh tra Việt Nam - 50 năm hoạt động và trưởng thành (1995); Những vấn đề cơ bản của Luật khiếu nại, tố cáo (1998); Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và người đại biểu của nhân dân trong việc giải quyết tố cáo (1998); Luật khiếu nại, tố cáo - một bước tiến của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta (1998); Vai trò của thanh tra cấp huyện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (1998); Một số vấn đề định hướng xây dựng Luật thanh tra (2003); Một số vấn đề đặt ra trong dự án Luật thanh tra (2003); Quan hệ giữa thanh tra chuyên ngành với thanh tra nhà nước (2003); Thanh tra chuyên ngành và vấn đề xác định phạm vi điều chỉnh của Luật thanh tra (2003); Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở Việt Nam (2004); Cơ chế giám sát kiểm toán và thanh tra ở Việt Nam (2004); Một số vấn đề cơ bản về phòng ngừa và chống tham nhũng (2004); Đương đầu với tham nhũng ở châu Á - những bài học thực tế và khuôn khổ hành động (2005); Giới thiệu các Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng (2006); Xây dựng văn hóa thanh tra và chuẩn mực đạo đức cán bộ thanh tra (2010); Bộ giáo trình nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng phục vụ hệ đào tạo cử nhân chuyên ngành thanh tra (2010 - 2011); Giới thiệu Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (2011); Đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra nhằm tăng cường năng lực phòng, chống tham nhũng (2011); Vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng (2011); Khiếu nại, tố cáo hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở Việt Nam hiện nay (2012); Sổ tay công tác phòng, chống tham nhũng (2012); Giáo trình Lý luận và Pháp luật về phòng, chống tham nhũng (2013); Tài liệu bồi dưỡng về phòng, chống tham nhũng dành cho giảng viên, giáo viên các trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội (2013); Tài liệu bồi dưỡng về phòng, chống tham nhũng dành cho giáo viên, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp (2013); Tài liệu bồi dưỡng về phòng, chống tham nhũng dành cho giáo viên các trường trung học phổ thông (2013); Thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn (2015); Vấn đề tham nhũng trong khu vực tư ở Việt Nam hiện nay (2016); Pháp luật về Thanh tra nhân dân (2017); Bảo vệ người tố cáo trong pháp luật Việt Nam (2017); Liêm chính trong hoạt động công vụ (2018); Xem xét, giải quyết lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật (2019); Giáo trình Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng (2020)…Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đã trở thành nguồn tài liệu/học liệu quan trọng, phục vụ đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và học sinh; nhiều kết quả nghiên cứu đã được biên tập thành giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và của hai nước bạn Lào và Campuchia.

- Về chủ trì xây dựng chính sách - pháp luật

Được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tin tưởng giao phó, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đã thành công trong thực hiện nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, tham mưu xây dựng nhiều văn bản chính sách, pháp luật mới, phức tạp với phạm vi điều chỉnh rộng, chẳng hạn như: thường trực chủ trì giai đoạn I rà soát, nghiên cứu chuẩn bị phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (2003 - 2006); chủ trì xây dựng các văn bản: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005; Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Đề án của Chính phủ về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; Đề án nghiên cứu xây dựng quy định về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức; về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị, phản ánh cung cấp thông tin về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức; chủ trì xây dựng nhiều Thông tư, văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân…