Tọa đàm khoa học: “Phương pháp tổ chức và giảng dạy các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và quản trị tốt”
Ngày 21 tháng 3 năm 2025, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức tọa đàm khoa học: “Phương pháp tổ chức và giảng dạy các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và quản trị tốt”. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chủ trì tọa đàm.
Mở đầu tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn phát biểu, ý nghĩa của buổi toạ đàm không chỉ nằm trong kế hoạch hoạt động của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra mà là vấn đề thời sự cấp thiết. Trường Cán bộ thanh tra tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra của các cơ quan theo cấp hành chính và thanh tra chuyên ngành. Nhưng với mô hình cơ quan thanh tra 02 cấp thì đối tượng đào tạo đang bị thu hẹp. Hiện nay, với xu hướng tự chủ về tài chính, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra xác định những phương án và bước đi trong tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức là cần thiết.
TS. Tăng Thị Thiệm, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ trình bày tham luận về phương pháp tổ chức, quản lý các lớp bồi dưỡng, chia sẻ rằng, khâu tổ chức các lớp bồi dưỡng gồm 03 khâu: Chuẩn bị, thực hiện và hậu mãi. Khâu thứ nhất, khâu chuẩn bị về nội dung cần khảo sát nhu cầu thị trường, tổ chức toạ đàm, gửi phiếu, các thầy cô đi dạy, quảng cáo giới thiệu; làm vấn đề tài chính (nguồn thu) phải hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu muốn tăng nguồn thu thì Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cần phải xây dựng chương trình phù hợp với đối tượng. Khâu tuyển sinh (bao nhiêu nội dung, buổi, chuyên đề, hình thức) khi tuyển sinh theo nhu cầu cần chuẩn bị tài chính, cơ sở vật chất và nguồn lực, tệp cơ sở dữ liệu thông tin để luôn sẵn sàng cho đội ngũ giảng dạy. Về tài chính, cần dự toán chi phụ thuộc vào thời lượng giảng dạy online hay offline, cần dự toán các chi phí trực tiếp (thù lao giảng viên, giá theo quy định của nhà nước). Quy chế chi tiêu nội bộ cần được thảo luận trước để phù hợp và khả thi, thu hút được những nhà khoa học. Việc mở lớp cần chú trọng về cơ sở vật chất dưới các hình thức học: online, offline, kết hợp. Địa điểm tổ chức cần khảo sát trước tuỳ quy mô của lớp học. Trước khi mởi lớp, cần phải đưa vào dự toán trước khi thực hiện, lập kế hoạch rõ ràng để phân công công việc, mở nhóm zalo để giải đáp câu hỏi của học viên. Nhóm đó có thể duy trì vì còn khâu hậu mãi để chăm sóc khách hàng, giải đáp vướng mắc. Khâu thứ hai là khâu thực hiện, cần phải có người hỗ trợ, quan trọng ở giảng dạy và tài chính. Khâu thứ ba là hậu mãi, cần có sự chăm sóc khách hàng. Sau khi kết thúc lớp cần có phiếu đánh giá (cơ sở vật chất, nội dung, giảng viên, kỹ năng, giải quyết tình huống, kiến thức; nhu cầu khách hàng của các lớp tiếp theo); cần lưu lại tệp của khách hàng: tên, điện thoại, địa chỉ, đơn vị công tác và cần có thông báo với học viên khi mở các lớp bồi dưỡng tiếp theo.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Chí, Nguyên Phó chủ nhiệm khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận về phương pháp giảng dạy đối với loại hình lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Nhu cầu tự chủ là nhu cầu tất yếu và việc mở các lớp là hình thức tự chủ vô cùng hiệu quả. Để phát huy hiệu quả này, Viện Chiến lược và Khoa học và thanh tra mở dịch vụ tư vấn về thanh tra, cần xác định đối tượng dạy cần gì. Đối với các lớp bồi dưỡng, cần có phương pháp đặc thù phù hợp với đối tượng và có thể sử dụng các phương pháp sau đây: Thuyết giảng, là truyền đạt lại kiến thức của người dạy cho người nghe; Có sự tham gia, là người học cùng giảng dạy, cùng nghiên cứu với mình; Case study (tình huống), là phương pháp đặc của việc giảng dạy luật; Tổ chức các cuộc thi, thường sử dụng ở cuối khoá học được hệ thống hoá lại kiến thức.
Kết thúc tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn cảm ơn và tiếp thu sự chia sẻ của các đại biểu và đồng thời nhấn mạnh, trình độ của người học có sự khác nhau, vì vậy đây là một thách thức cần có kế hoạch và bước đi cụ thể trong thời gian tới.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng