Họp phê duyệt thuyết minh và tuyển chọn chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ: “Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng trong hoạt động thanh tra”
Ngày đăng:  20/03/2025 | 06:30 CH | 96
Ngày 20 tháng 3 năm 2025, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ tổ chức phê duyệt đề tài khoa học cấp bộ: “Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng trong hoạt động thanh tra”. Đề tài do ThS. Nguyễn Sĩ Giao, Phó trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đăng ký làm chủ trì. TS. Nguyễn Cảnh Lam, Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
...

ThS. Nguyễn Sĩ Giao cho rằng,  bên cạnh những thành tựu nổi bật, công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là những mặt trái trong quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng. Sự phát triển vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý đã dẫn đến những bất cập trong việc lập, điều chỉnh, và phê duyệt quy hoạch xây dựng, gây nên tình trạng tùy tiện, chồng chéo, và phá vỡ tính đồng bộ của các đồ án quy hoạch. Điều này thể hiện qua việc phát hiện các sai phạm gần đây tại một số tỉnh, thành phố đã được chỉ rõ trong các kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng và cơ quan thanh tra Tỉnh.

Những sai phạm trên không chỉ là hệ quả của các nguyên nhân khách quan mà còn xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý và điều hành. Trước hết, nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo và cơ quan quản lý còn hạn chế, dẫn đến việc không coi trọng các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng. Bên cạnh đó, sự thiếu trách nhiệm hoặc dung túng của các cơ quan chức năng cũng góp phần làm gia tăng tình trạng vi phạm. Mặt khác, cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn các hành vi sai phạm. Hệ quả là, các nhóm lợi ích có thể dễ dàng tác động đến quy trình lập, thẩm định, và thực hiện quy hoạch, biến quy hoạch xây dựng thành công cụ để trục lợi cá nhân.

Bên cạnh những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như pháp luật quy hoạch xây dựng thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện, năng lực của đội ngũ cán bộ trong việc lập và quản lý quy hoạch xây dựng còn hạn chế, người có thẩm quyền còn buông lỏng quản lý trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng hay công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội…thì một nguyên nhân khác là cơ chế thanh tra hiện nay - một trong những phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng nói riêng chưa phát huy được hết vai trò của mình trong phòng, chống tham nhũng qua hoạt động thanh tra.

Nhìn chung, hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống tham nhũng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, từ sự đa dạng và phức tạp của loại hình quy hoạch, quy trình lập và thực hiện quy hoạch xây dựng, đến tính chất ẩn và khó phát hiện của hành vi tham nhũng, cũng như những hạn chế về thể chế thanh tra. Để giải quyết những khó khăn này, hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống tham nhũng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng cần có cách tiếp cận mới từ việc xác định mục tiêu, đối tượng cũng như phương pháp tiến hành thanh tra cũng như được đáp ứng các yêu cầu, điều kiện đảm bảo một cách đồng bộ và hiệu quả, mới có thể nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực quan trọng này nhất là trong bối cảnh hiện nay khi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quy hoạch nói chung, quy hoạch xây dựng nói riêng được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội ngày 16 tháng 6 năm 2022 và Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng ngày 25 tháng 5 năm 2023; yêu cầu từ chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác thanh tra trong thời gian tới là qua công tác thanh tra phát hiện các hạn chế, vướng mắc về chính sách, pháp luật, từ đó tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằmm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không trở thành lực cản, vừa nghiêm minh vừa sát thực tiễn và hỗ trợ quá trình phát triển; đổi mới mô hình hoạt động của ngành thanh tra hiệu lực, hiệu quả phù hợp với mô hình bộ máy chính trị trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng về tăng cường thanh tra các lĩnh vực, địa bàn và cán bộ lãnh đạo các cấp có nhiều thông tin, dư luận về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Vì những lý do nêu trên, việc nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ: Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng qua hoạt động thanh tra rất cần thiết.

Trên cơ sở mục tiêu chung là đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật, quy định và nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng qua hoạt động thanh tra, Đề tài dự kiến triển khai 03 nội dung: Nội dung 1, cơ sở luận về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng qua hoạt động thanh tra; Nội dung 2, thực trạng phòng, chống tham nhũng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng qua hoạt động thanh tra; Nội dung 3, giải pháp hoàn thiện cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Phát biểu góp ý cho thuyết minh đề tài, TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội cho rằng, xây dựng và quy hoạch xây dựng trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu. Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn mới được Quốc Hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho bảo đảm công tác xây dựng và quy hoạch xây dựng. Do đó, việc nghiên cứu đề tài là cần thiết. Tuy nhiên, Thuyết minh cần làm rõ những bất cập của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để từ đó nghiên cứu, xây dựng đề xuất cho hợp lý. Tổng quan tình hình nghiên cứu tương đối phù hợp, tuy nhiên, cần bổ sung thêm một số công trình có liên quan đến nội dung nghiên cứu. Mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu đã phù hợp với tên đề tài. Tuy nhiên, phạm vi về không gian nên nghiên cứu theo hướng là Thanh tra Chính phủ, Thanh tra xây dựng và thanh tra địa phương; mục tiêu nghiên cứu gồm cả hoàn thiện pháp luật. Sản phẩm của đề tài sẽ góp phần quann trọng giải quyết những vướng mắc, bất cập cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý xây dựng, quy hoạch xây dựng trong thời gian tới.

ThS. Đỗ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ có một góp ý để Thuyết minh chỉnh sửa như sau: Về tính cấp thiết, cần bổ sung các số liệu thực tế về thiệt hại cho tham nhũng trong xây dựng và quy hoạch xây dựng để nhấn mạnh mức độ cấp thiết, phân tích sâu hơn về cơ chế giám sát của các bên liên quan, không chỉ dừng lại ở hoạt động thanh tra mà cần có vai trò của cơ quan báo chí, của người dân và tổ chức giám sát độc lập; cần có các tiêu chí cụ thể đánh giá  hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực này, từ đó làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp. Mục tiêu đề tài còn chung chung, Thuyết minh cần thể hiện rõ hơn mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu như hoàn thiện cơ chế về thanh tra, kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong thực hiện. Mục tiêu cụ thể nên chia thành 04 nhóm: Nhóm đánh giá thực trạng, nhóm phân tích pháp luật, nhóm giải pháp và nhóm ứng dụng thực tiễn. Phạm vi nghiên cứu cần được thu hẹp, nên tập trung vào một số giai đoạn quan trọng trong quy hoạch xây dựng; xác định rõ địa phương nghiên cứu, có thể lựa chọn một số tỉnh, thành phố tiêu biểu thay vì nghiên cứu trong phạm vi cả nước; giới hạn phạm vi thời gian trong khoảng 10 năm để đảm bảo dữ liệu thực tế cập nhật. Phương pháp nghiên cứu cần kết hợp điều tra thực tế, khảo sát doanh nghiệp và người dân để đánh giá hiệu quả thực sự của công tác phòng, chống tham nhũng trong quy hoạch xây dựng, áp dụng phương pháp so sánh pháp luật quốc tế; nghiên cứu mô hình quản lý quy hoach đô thị và chống tham nhũng ở các nước như Singapore, Hàn Quốc để đề xuất giải pháp phù hợp với Việt Nam; tăng cường nghiên cứu định lượng, sử dụng số liệu thống kê phạm vi, mức độ xử lý và hiệu quả của các biện pháp phòng, chống tham nhũng để đảm bảo tính khách quan.

ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin, thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, Thuyết minh cần nhận diện những bất cập của quy định pháp luật, nhận diện những sai phạm chính trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng qua hoạt động thanh tra. Thời gian nghiên cứu có thể là 10 năm trở về trước. Nội dung1 cần làm rõ các khái niệm, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, trình tự, thủ tục phê duyệt. Với Nội dung 2, việc phân tích, đánh giá chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng nên để phần Nội dung 1. Nội dung 3 bổ sung nhóm giải pháp khắc phục những bất cập của pháp luật về xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng.

Kết thúc cuộc họp, TS. Nguyễn Cảnh Lam đề nghị Chủ nhiệm đề tài tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Hội đồng, đồng thời, thể hiện ngắn gọn lại sự cần thiết của đề tài để làm nổi bật thực trạng, nguyên nhân, nhận diện, mục tiêu là thông qua hoạt động thanh tra để phòng, chống tham nhũng trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng. Đối với thành viên tham gia nghiên cứu, cần có sự tham gia của một đồng chí công tác tại Cục 1, Thanh tra Chính phủ; phương pháp nghiên cứu cần có sự rà soát để bổ sung thêm một số phương pháp phù hợp; phạm vi nghiên cứu kéo dài hơn; mục tiêu nghiên cứu thể hiện khái quát, cô đọng. Về nội dung nghiên cứu, lưu ý phần lý luận , ngoài nhận thức về thanh tra thì cần nhận thức rõ về quy hoạch xây dựng. Phần thực trạng, nội dung về chủ trương, chính sách, pháp luật cần rõ ràng. Nội dung 3 đưa ra giải pháp trong bối cảnh hiện nay lưu ý đến vấn đề phối hợp và giải pháp cần mang tính tổng thể.

Với kết quả cho điểm của Hội đồng, đề tài đã được thống nhất thông qua, Chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến của Hội đồng để tiếp tục hoàn thiện thuyết minh.

Tin: Đậu Hiền

Ảnh: Hữu Thắng