Hội thảo đề tài khoa học cấp bộ “Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra”
Ngày đăng:  06/03/2025 | 02:32 CH | 125
Ngày 05/3/2025, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ năm 2024 - 2025 “Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra” (Đề tài) tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài. ThS. Văn Tiến Mai - Phó Cục trưởng Cục V, Thanh tra Chính phủ - Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
...

Theo Chủ nhiệm đề tài, kế hoạch thanh tra là tổng thể các nhiệm vụ thanh tra chủ yếu của cơ quan để thực hiện chức năng thanh tra trong một năm, trong đó xác định về chủ thể, đối tượng, nội dung, thời gian thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra là một quy trình có tính hệ thống và chặt chẽ, nhằm đạt được các mục tiêu thanh tra đã đề ra; đưa ra các yêu cầu về việc chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, phạm vi, đối tượng thanh tra, sự tham gia của đội ngũ cán bộ có chuyên môn phù hợp và khả năng linh hoạt trọng việc xử lý các tình huống phát sinh; giúp hoạt động thanh tra phát hiện được các sai phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra, góp phần vào việc chấn chỉnh sơ hở trong hoạt động quản lý, chính sách, pháp luật, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra thường tập trung vào các nội dung: Đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về kế hoạch thanh tra; đánh giá hiệu quả việc thực hiện; phát hiện và khắc phục sai sót; tăng cường kiểm soát và giám sát. Việc kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra có thể được tiến hành theo các hình thức như: Kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra qua báo cáo, kiểm tra qua đánh giá kết quả thanh tra, kiểm tra thực tế, kiểm tra qua việc sử dụng phần mềm và hệ thống quản lý…

Theo Chủ nhiệm đề tài, Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Một số vấn đề lý luận chung về hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra; ii) Thực trạng hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra; iii) Quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng việc hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra.

Tại Hội thảo, Ban Chủ nhiệm đề tài mong muốn các đại biểu góp ý hoàn thiện một số vấn đề lý luận chung về hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra và gợi mở các vấn đề nghiên cứu ở phần thực trạng của Đề tài.

Góp ý tại Hội thảo, ThS. Lê Đức Trung - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT cho rằng, Chương I của Đề tài cần bổ sung yếu tố tác động đến hướng dẫn và kiểm tra việc việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra; bổ sung thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra; trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch thanh tra; làm rõ chủ thể, đối tượng, phạm vi, nội dung, thẩm quyền hướng dẫn thực hiện kế hoạch thanh tra…

Theo ThS. Lê Văn Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT, phần lý luận, Đề tài cần nghiên cứu vấn đề chung về quản lý nhà nước, từ đó làm rõ chủ thể, phạm vi, đối tượng của việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra; làm rõ khái niệm, thẩm quyền, phạm vi kiểm tra việc xây dựng kế hoạch thanh tra; đảm bảo tính đầy đủ của việc thực hiện kế hoạch thanh tra…

Theo ThS. Phạm Thị Huệ - Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT, Đề tài cần bổ sung căn cứ, thời điểm, chủ thể hướng dẫn, kiểm tra, từ đó, làm rõ thêm các nội dung này ở phần thực trạng; những yếu tố tác động đến việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra; cần rà soát lại khái niệm được thể hiện trong Đề tài theo hướng cô đọng, bao quát hơn…

Đề tài được triển khai trong bối cảnh tổ chức thanh tra có thay đổi lớn, việc xây dựng kế hoạch có thể sẽ bị thay đổi, do vậy, Ban Chủ nhiệm Đề tài có thể nghiên cứu thêm nội dung này ở giai đoạn sau của việc thực hiện đề tài. Đây là ý kiến của ThS. Lê Thị Thúy - Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện CL&KHTT. Về cách tiếp cận, ThS. Lê Thị Thúy cho rằng, Đề tài cần khuôn gọn các khái niệm, đặc điểm vào thành một mục, tránh việc dàn trải ở các phần khác nhau; làm rõ tiêu chí cho việc hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và xử lý vi phạm trong việc thực hiện kế hoạch thanh tra; làm rõ vai trò, thẩm quyền, nội dung và phương thức của hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra…

Theo TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, việc nghiên cứu đề tài đặt trong bối cảnh ngành Thanh tra có thay đổi về bộ máy tổ chức, do vậy, các vấn đề nghiên cứu cần đặt trong bối cảnh cả lý luận, thực trạng và giải pháp, trong đó, tập trung nhiều về phần giải pháp. Chương I, Đề tài cần làm rõ yếu tố tác động đến hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra; ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính liên quan đến vấn đề này. Về kết cấu, Đề tài cần làm rõ khung lý thuyết về hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, từ đó, làm căn cứ để phân tích các nội dung ở phần thực trạng. Cụ thể, khung lý thuyết cần giải quyết 03 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: i) Khái niệm, đặc điểm và vai trò của hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra; ii) Thẩm quyền, nội dung và phương thức hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra; iii) Yếu tố tác động đến hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra.

Kết thúc Hội thảo, Ban Chủ nhiệm đề tài phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện nội dung nghiên cứu của Đề tài./.

Tin: Thanh Minh

Ảnh: Hữu Thắng