Tọa đàm khoa học: “Xây dựng chuyên đề, khung tài liệu bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các vấn đề liên quan cho các đối tượng có nhu cầu”
Ngày đăng:  28/02/2025 | 03:53 CH | 193
Ngày 28 tháng 2 năm 2025, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Xây dựng chuyên đề, khung tài liệu bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các vấn đề liên quan cho các đối tượng có nhu cầu”. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chù trì tọa đàm.
...

Thực hiện Kế hoạch số 2748/KH-TTCP ngày 27 tháng 12 năm 2024 của Thanh tra Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Thanh tra năm 2025, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về cung cấp dịch vụ khoa học và tham gia bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các vấn đề liên quan khác theo nhu cầu thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Phát biểu dẫn đề, TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho biết, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trong triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhận thức rằng việc xác định chuyên đề, khung tài liệu bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các vấn đề liên quan cho các đối tượng có nhu cầu là bước căn bản, quan trọng. Bởi lẽ, (i) nội dung chuyên đề, khung tài liệu bồi dưỡng phải thể hiện rõ và bám sát với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vấn đề liên quan khác; (ii) nội dung chuyên đề, khung tài liệu bồi dưỡng phải thiết thực, gắn với yêu cầu thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (iii) bồi dưỡng phải đúng đối tượng, phù hợp vị trí công tác.

Theo đó, trong khuôn khổ Tọa đàm khoa học , Viện CL&KHTT định hướng một số vấn đề trọng tâm để các Quý đại biểu cùng trao đổi, thảo luận như sau: 1. Phạm vi, nhu cầu bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức qua thực tế công tác; 2. Nội dung trọng tâm mong muốn được chia sẻ, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác chuyên môn.

Phát biểu tại Tọa đàm, Đ/c Lê Thanh Đạo, Thanh tra Bộ Giáo dục nhận thấy, việc tổ chức Tọa đàm xây dựng chuyên đề, khung tài liệu bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các vấn đề liên quan cho các đối tượng có nhu cầu là rất có ý nghĩa thiết thực. Về đối tượng nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực quản trị nội bộ đơn vị sự nghiệp, các trường học, thanh tra nội bộ rất cần được trang bị kiến thức, kỹ năng vì đây là nội dung có rất nhiều vấn đề. Vì vậy, cần bổ sung thêm chuyên đề hướng tới các đối tượng bồi dưỡng này.

Đại diện Thanh tra Thành phố Hà Nội chia sẻ, năm 2024, trên cơ sở kế hoạch được giao, Thanh tra thành phố Hà nội đã rà soát nhu cầu đào tạo. So với năm 2024 thì năm 2025, Thanh tra Thành phố đăng ký nhiều lớp học hơn về chuyên ngành, tập trung vào nội dung liên quan đến tiếp công dân. Danh mục chuyên đề là tương đối sát với thực tế, tuy nhiên, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cần bổ sung chuyên đề về kỹ năng xử phạt vi phạm hành chính

Đ/c Đào Trung Kiên, Cục trưởng Cục III, Thanh tra Chính phủ đánh giá tính năng động của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra trong việc duy trì chức năng, đảm bảo các nguồn thu cho cán bộ. Việc triển khai bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các đối tượng có nhu cầu, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tranên triển khai dưới góc độ là cá nhân, chuyên gia và tham mưu với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để thực hiện. Nội dung của các chuyên đề cần xem xét lại để phù hợp với đối tượng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật. Các chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, kê khai tài sản, thu nhập là nội dung cần thiết.

TS. Nguyên Văn Kim, nguyên Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các vấn đề liên quan cho các đối tượng có nhu cầu cần được xác định rõ nội dung, đối tượng để tránh sự trùng lặp về nội dung và đối tượng đào tào mà Trường Cán bộ thanh tra đã và đang thực hiện. Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nên cân nhắc đối tượng là doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức đoàn thể và các cơ quan khác. Nội dung bồi dưỡng nên hướng tới các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng xử lý tình huống trên thực tế, những vướng mắc giữa thực tiễn và quy định pháp luật. Ngoài ra, nội dung bồi dưỡng phải gắn với quản lý và gắn với đối tượng bồi dưỡng. Về đối tượng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật là những cán bộ chưa làm thực tiễn và những người đã làm công tác thanh tra, đặc biệt cần có sự phân loại rõ với mục đích để tránh trùng đối tượng bồi dưỡng của Trường Cán bộ thanh tra.

Đại diện Thanh tra Bộ Quốc phòng chia sẻ thêm, hiện nay, một nội dung mà các bộ, ngành còn đang có nhiều thắc mắc là việc xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Vì vậy, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cần bổ sung chuyên đề hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập và nội dung về chống lãng phí. Để thu hút được nhiều đối tượng tham gia, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nên bổ sung thêm những hình thức bồi dưỡng để các hình thức bồi dưỡng được phong phú hơn.

Theo đại diện Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cần xác định rõ đối tượng và nhu cầu bồi dưỡng để từ đó xác định nội dung bồi dưỡng cho sát với thực tiễn.

TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chia sẻ, thực hiện chức năng nghiên cứu và xây dựng chính sách, chiến lược, thời gian qua, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đã chủ trì nghiên cứu nhiều đề tài khoa học từ cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở, đến các đề án của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ. Đông đảo nghiên cứu viên của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đã tham gia giảng dạy thường xuyên, tích cực và có uy tín cao. Trên thực tế, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhận thấy các cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước hiện có nhu cầu rất cao về cập nhật kiến thức và bồi dưỡng, tư vấn kỹ năng nghiệp vụ thường xuyên về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực và quản trị tốt nhưng các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng hiện đang chưa đáp ứng đủ các nhu cầu đó. Việc triển khai bồi dưỡng kỹ năng cho các đối tượng có nhu cầu là một hướng đi mới của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin, thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, đây là bước đi đầu tiên của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra trong việc tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật. Nội dung liên quan đến đấu thầu, mua sắm là nhu cầu của nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các bệnh viện, trường học. Vì vậy, thay vì là những chuyên đề chung thì cần là những chuyên đề mang tính chất chuyên sâu, cần tìm ra những lĩnh vực mang tính đặc thù mà nhiều đơn vị áp dụng.

ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, đây vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn đối với Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Việc mở lớp bồi dưỡng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra có thể hướng tới các tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội.

Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn tổng hợp các ý kiến phát biểu của các đại biểu và tiếp thu cao nhất những đóng góp, nhấn mạnh tới việc bồi dưỡng hướng tới đáp ứng nhu cầu của xã hội, điều chỉnh các chuyên đề sâu hơn gắn với từng đối tượng, mang tính phổ biến, có sự phối hợp của nhiều chuyên gia, thanh tra các bộ, ngành, địa phương. Phương pháp tiếp cận cần linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu người học, ứng dụng số, tin học; người đứng lớp cần có kiến thức lý luận và thực tiễn.

Tin: Đậu Hiền

Ảnh: Hữu Thắng