Hội thảo hoàn thiện kết quả nghiên cứu đề tài “Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí”
Ngày 30/10/2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT), Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2024 “Kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí” (Đề tài) tổ chức Hội thảo hoàn thiện kết quả nghiên cứu đề tài. ThS. Đào Thị Thu Hà - Phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT - Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
Đề tài có mục tiêu là đề xuất quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực. Để làm rõ mục tiêu đề ra, Đề tài nghiên cứu ba nhóm nội dung chính sau: i) Những vấn đề chung về kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; ii) Thực tiễn kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; iii) Quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực.
Đánh giá kết quả đạt được đối với giai đoạn trước giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp, Đề tài đưa ra nhận định rằng việc kiểm soát trước hoạt động thanh tra được thực hiện khá hiệu quả thông qua công tác xây dựng Định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra; thông qua triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; thông qua công tác kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra;thông qua kiểm tra công vụ đối với hoạt động thanh tra, thông qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thông qua công tác thanh tra lại... Đối với giai đoạn kiểm soát sau hoạt động thanh tra, Đề tài đánh giá kết quả đạt được bao gồm: Thực hiện việc kiểm soát quyền thanh tra thông qua công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; thực hiện việc kiểm soát quyền thanh tra thông qua công tác xử lý sau thanh tra.
Đề tài đề ra 02 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bao gồm: Bổ sung các quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực, tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; bổ sung quy định cụ thể về giám sát hoạt động Đoàn thanh tra của Người ra quyết định thanh tra… Về giải pháp tổ chức thực hiện, giải pháp đề ra bao gồm: Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra, cán bộ, đảng viên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thanh tra; tiếp tục nâng cao, đẩy mạnh sự phối hợp đồng bộ giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với kiểm tra, giám sát của các cơ quan thanh tra về kiểm soát quyền lực trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và phát triển văn hóa công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát, phản ánh các vấn đề liên quan đến hoạt động thanh tra; hoàn thiện cơ chế kiểm soát từ bên ngoài đối với hoạt động thanh tra…
Góp ý hoàn thiện kết quả nghiên cứu, ThS. Lê Đức Trung - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài có phạm vi nghiên cứu rộng, cần khoanh lại phạm vi thuộc Thanh tra Chính phủ; đồng thời, cần làm rõ phương thức, nội dung kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực.
Theo TS. Tạ Thu Thủy - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT, Đề tài cần làm rõ khái niệm cơ bản và khẳng định hướng tiếp cận của đề tài theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp của khái niệm đề ra; khoanh lại phạm vi nghiên cứu của đề tài cho phù hợp với Đề tài cơ sở; bổ sung đặc điểm, làm rõ chủ thể, nội dung kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra; phương thức kiểm soát cần đề cập đến kiểm soát về mặt thể chế và tổ chức thực hiện. Ban Chủ nhiệm cần rà soát lại phần quy định pháp luật ở Chương II, tập trung vào những quy định mang tính trực tiếp với nội dung cần nghiên cứu; cần đảm bảo logic giữa các trục nội dung của các chương.
Theo TS. Phạm Thị Huệ - Trưởng phòng, Viện CL&KHTT, Đề tài cần xác định cách tiếp cận thống nhất, khuôn gọn lại các nội dung nghiên cứu để đảm bảo tính logic xuyên suốt đề tài. Phần thực trạng, Đề tài cần tinh chỉnh lại cho gọn hơn và tập trung vào các nội dung chính cần nghiên cứu.
Theo TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, phạm vi nghiên cứu của Đề tài cần khoanh lại cho phù hợp; Chương I, Mục 1.3 về chủ thể, nội dung, phương thức kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra cần làm rõ thêm; phương thức kiểm soát cần đề cập đến vai trò kiểm soát của các đơn vị có liên quan; Chương II, thực trạng kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực cần tập trung vào thực tiễn hơn là tập trung vào việc nhận diện hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực…
ThS. Lê Văn Đức - Phó Trưởng phòng, Viện CL&KHTT cho rằng, về phạm vi nghiên cứu, Đề tài cần khoanh lại phạm vi trước giai đoạn tiến hành thanh tra, theo đó, cần tập trung vào giai đoạn khảo sát, nắm tình hình trước khi tiến hành thanh tra. Về nội dung, phần lý luận, Đề tài cần luận giải rõ khái niệm “hoạt động thanh tra” và tiếp cận theo nghĩa rộng; bổ sung nguy cơ tham nhũng, tiêu cực ở giai đoạn trước và sau hoạt động thanh tra; cần làm rõ thêm chủ thể, nội dung, phương thức kiểm soát trước và sau hoạt động thanh tra. Ban Chủ nhiệm đề tài cần rà soát lại một số nhận định, đánh giá để đảm bảo tính khách quan; sửa lại về cụm từ “quyền thanh tra” thể hiện trong phần kết quả đề tài cho phù hợp hơn…
Trên cơ sở góp ý của các đại biểu tham dự, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tiếp thu và hoàn thiện kết quả đề tài trong thời gian tới./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng