Họp Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 – 2024: “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyềntrong quản lý nhà nước”
Ngày đăng:  24/10/2024 | 02:31 CH | 82
Ngày 23/10/2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) đã diễn ra cuộc họp Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 - 2024 (Hội đồng tự đánh giá): “Thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước” do TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá chủ trì buổi họp.
...

Báo cáo kết quả nghiên cứu, TS. Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, phân cấp, phân quyền là vấn đề quan trọng được đặt ra trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, đặc biệt là trong hơn hai thập kỷ gần đây với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách hành chính. Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đã ban hành riêng Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã làm rõ những vấn đề lý luận về tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trước yêu cầu phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; làm rõ những vấn đề lý luận về trách nhiệm của các chủ thể trong tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra và điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; làm rõ chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phân cấp, phân quyền và yêu cầu đặt ra. Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra trong quản lý nhà nước thời gian qua, so sánh, đối chiếu với các yêu cầu phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, chỉ rõ những ưu điểm, kết quả đạt được, những điểm phù hợp cần tiếp tục phát huy, chỉ rõ những bát cập, hạn chế trong tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra, những điểm chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và nguyên nhân của những ưu điểm cũng như bất cập, hạn chế. Đề tài đã đề xuất quan điểm, giải pháp về tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Góp ý vào kết quả nghiên cứu, Hội đồng đánh giá, kết quả nghiên cứu của đề tài đã đáp ứng được mục tiêu đề ra, có tính thực tiễn cao, nội dung phong phú, nhiều thông tin dữ liệu, có giá trị khoa học và ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn trước khi đưa ra nghiệm thu chính thức, đề tài cần biên tập, bố cục, điều chỉnh một số nội dung sau:

Đề tài có thể có hai cách tiếp cận: Một là, chỉ giải quyết vấn đề phân cấp, phân quyền trong thanh tra, kiểm tra. Hai là, không chỉ bàn trong thanh tra, kiểm tra mà còn tiếp cận vai trò của thanh tra, kiểm tra đối với nội dung phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Đề tài cân nhắc, có thể khoanh lại phạm vi ở cách tiếp cận thứ nhất sẽ hợp lý hơn.

Tại Chương I, đề tài cần làm rõ hơn khung lý thuyết, các nội dung liên quan đến kiểm tra về pháp luật và thực tiễn đã đặt ra vấn đề này, liệu có nên coi đây là tính mới của đề tài, vì kiểm tra áp dụng cho hiện tại và mục tiêu của quản lý trước mắt. Nếu đưa kiểm tra là thiết chế trong cơ quan thanh tra là rất mới, cần cân nhắc. Bổ sung thêm nội dung trách nhiệm phân cấp, phân quyền, cần đưa ra những nhận định riêng. Phần đặc điểm của hoạt động thanh tra, kiểm tra gắn với phân cấp, phân quyền. Làm rõ hơn bản thân hoạt động thanh tra mang tính chất độc lập tương đối nên phân cấp, phân quyền sẽ phải thực hiện với cơ chế đặc thù, phải có những đặc điểm đặc thù phù hợp với tính chất quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực đó. Các yếu tố bảo đảm cần phân tích làm rõ hơn.

Tại Chương II, cần  đưa mục 2.1 lên khung lý thuyết tại Chương 1. Hoạt động kiểm tra không cần thiết phân quyền, phân cấp là nhận định phù hợp vì nó mang tính kịp thời, phục vụ nhiệm vụ cấp bách. Cập nhật rà soát lại một số Nghị quyết, bổ sung thêm Nghị quyết 21 với 5 lĩnh vực được phân cấp, phân quyền, cần lưu ý đánh giá kết quả. Cần có sự đánh giá phân tích theo từng giai đoạn, bổ sung thêm giai đoạn khi có Luật Thanh tra năm 2022 đến nay.Đề tài cần tà soát, thống nhất tên đề tài với tên các chương, các mục; biên tập, chỉnh sửa các lỗi kỹ thuật

Với những kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất đề tài được thông qua, Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu tiếp thu những ý kiến góp ý của Hội đồng để hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa ra nghiệm thu chính thức.

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng