Tọa đàm khoa học về “Nhận diện khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến dự án có sử dụng đất”
Ngày 18 tháng 10 năm 2024, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề: “Nhận diện khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến dự án có sử dụng đất”. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chủ trì Tọa đàm.
Mở đầu cuộc Toạ đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn phát biểu, trong những năm qua, có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến dự án có sử dụng đất được phát hiện qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến dự án có sử dụng đất được đặt ra trong bối cảnh thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Đất đai năm 2024 và pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư cùng các quy định pháp luật có liên quan.
Một số kết luận thanh tra phát hiện nhiều chủ thể với các vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai có giá trị rất lớn, trong thời gian dài, việc khắc phục và xử lý gặp nhiều khó khăn. Một số nội dung kiến nghị xử lý về kinh tế, xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai chưa bám sát tính thực tiễn. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm tra, thuế, ngân hàng, công an trong việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra có liên quan đến dự án có sử dụng đất chưa được chặt chẽ và đồng bộ... Kết luận thanh tra liên quan đến dự án có sử dụng đất thường có phạm vi rộng, thời kỳ thanh tra dài, nội dung thanh tra phức tạp, kết luận thanh tra liên quan đến nhiều chủ thể nên việc thực hiện kết luận thanh tra đòi hỏi mất nhiều thời gian, khó dứt điểm. Nhiều kiến nghị liên quan đến dự án sử dụng đất trong kết luận thanh tra thực hiện còn vướng mắc, khó khăn.
Trách nhiệm của các bộ, ngành là phải khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đề xuất, báo cáo những cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực nhiện kết luận thanh tra, kiểm tra. Ở góc độ nghiên cứu khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhận thấy đây là một vấn đề được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân đặc biệt quan tâm. Trong phạm vi của Tọa đàm khoa học, chúng tôi mong muốn chia sẻ những nội dung xoay quanh việc nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến dự án có sử dụng đất.
Tiếp theo phát biểu khai mạc, ThS. Hoàng Hưng, Vụ trưởng Vụ 1, Thanh tra Chính phủ, báo cáo viên chia sẻ, pháp luật hiện nay chưa có cơ chế để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến dự án có sử dụng đất. Thực tiễn công tác xử lý sau thanh tra, rất nhiều dự án liên quan đến sử dụng đất cần đến giải pháp để tháo gỡ. Qua khó khăn, vướng mắc, chúng ta có thể nhận diện những sai phạm: Nhiều dự án sử dụng đất không qua đấu giá, đấu thầu, khó xác định được giá trị sử dụng đất, không xác định được trách nhiệm tài chính giữa các bên; vi phạm trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; vi phạm liên quan đến quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng. Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc là: Các vi phạm đã xảy ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều địa phương, liên quan tới nhiều thời kỳ, chính sách, pháp luật thường xuyên thay đổi. Đa phần lỗi ở nhà đầu tư nhưng vấn đề xử lý lại liên quan đến người dân. Việc xử lý vi phạm sẽ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, chưa kể nhiều dự án đã chuyển nhượng qua nhiều nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài. Từ thực tiễn trên, sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị, an ninh, xã hội. Hướng xử lý trước thực trạng và nguyên nhân này, Thanh tra Chính phủ đã phân nhóm những vướng mắc ở quy định của Luật thì có cơ chế xử lý đặc thù thông qua sửa đổi, bổ sung Luật. Liên quan đến thẩm quyền của địa phương thì hướng xử lý là xác định thẩm quyền một cách thống nhất liên quan đến trật tự quy hoạch, trật tự đô thị. Nguyên tắc của việc xử lý những khó khăn, vướng mắc là: Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với những thỏa thuận quốc tế; kết luận thanh tra có hiệu lực phải thực hiện triệt để; tập trung giải quyết những vướng mắc về cơ chế, chính sách; tính đến cả thực tiễn khách quan, hoàn cảnh lịch sử, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, đặc biệt là bảo vệ lợi ích chính đáng của chủ thể. Hiện nay, về cơ bản, các đề xuất của Thanh tra Chính phủ đều được đồng tình và đang được đưa vào thực hiện. Có những chủ trương mang tính định hướng, chưa được đưa vào thực tiễn. Đây là một số những chia sẻ mang tính kinh nghiệm trong giai đoạn vừa qua.
TS. Nguyễn Quốc Văn chia sẻ thêm, hiện nay, có các dự án bị ách tắc liên quan đến nhiều lĩnh vực. Việc xác định lỗi đa phần do nhà đầu tư, điều này có lẽ nên chia sẻ sâu hơn để làm rõ và xác định chính xác. Những ách tắc ở tầm vĩ mô phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Dù hướng giải quyết thuộc về ai thì cũng đều phải tuân thủ những nguyên tắc. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ cũng đã chủ động nhưng cần phải tham mưu những giải pháp cụ thể về kỹ thuật để giải quyết những vướng mắc này.
Sau phần trình bày của báo cáo viên, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ thông tin về những nội dung: Tính phức tạp của các cuộc thanh tra liên quan đến dự án có sử dụng đất; sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan đến việc thực hiện kiến nghị đối với dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra; khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến dự án có sử dụng đất: đề xuất cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung và nội dung cần hướng dẫn thực hiện trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra.
Cũng tại toà đàm, đồng chí Đỗ Tiến Dũng, Thanh tra viên chính, Cục 1, Thanh tra Chính phủ cho rằng, các sai phạm về giao đất, sử dụng đất, đền bù tái định cư... dưới góc độ nghiên cứu khoa học, nên nghiên cứu theo từng dạng sai phạm cụ thể để từ đó có hướng xử lý. Với địa bàn thanh tra ở Cục 1, việc đấu giá là việc rất khó. Luật pháp áp dụng chung nhưng việc áp dụng cần có những đặc thù. Một thực tế diễn ra là có nhiều kết luận liên quan đến đất đai chưa thực hiện được.
Đồng chí Đào Tiến Long, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến đất đai phải theo quy trình. Vấn đề đất đai có phạm vi rất rộng, phức tạp, do vậy việc xác định nguyên nhân, đưa ra hướng giải quyết là rất khó. Trong quá trình tổng kết thi hành Luật đất đai 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý đất đai, rà soát thống kê những vi phạm về đất đai trong giao đất, cho thuê đất. Để xảy ra những vi phạm, chủ yếu là do năng lực của chủ đầu tư yếu kém, mục đích của dự án của đầu tư chưa rõ ràng. Đối với cơ quan quản lý, do việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định năng lực chưa chặt chẽ, do cơ chế chính sách, chậm thực hiện bồi thường, giá đất tăng, thay đổi quy hoạch. Kết quả thanh tra trách nhiệm về quản lý, sử dụng đất đai cho thấy, đất đai gắn liền với đời sống người dân và vì thế, vấn đề đất đai bị nhiều yếu tố tác động, đi qua nhiều giai đoạn nên không tiếp nối để giải quyết các vấn đề của giai đoạn trước; chế tài trong kết luận thanh tra chưa được cụ thể, là nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện kết luận thanh tra về đất đai gặp nhiều khó khăn.
Kết thúc tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn phát biểu cảm ơn sự tham gia và chia sẻ của các đại biểu.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng