Tọa đàm khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu đề tài Nhà nước “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”
Ngày 10 tháng 10 năm 2024, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Tọa đàm khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu đề tài Nhà nước: “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chủ trì Tọa đàm.
Mở đầu tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thư ký Đề tài giới thiệu chung về công tác tổ chức nghiên cứu và sản phẩm của Đề tài, cho rằng, kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng là yêu cầu thực sự cấp bách xét ở cả góc độ lý luận, pháp lý và thực tiễn. Nhìn từ phương diện lý luận, đến nay, nhiều vấn đề về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng chưa được làm rõ. Nhìn từ phương diện pháp lý, theo pháp luật hiện hành, các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, kiểm soát, xét xử… của các cơ quan quyền lực nhà nước, hành chính, tư pháp và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng chưa được tuyên bố thuộc nội hàm “kiểm soát quyền lực” để đảm bảo tính thực định, chính sách, đồng thời xác lập tiền đề pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát quyền lực của hoạt động này. Nhìn từ phương diện thực tiễn, cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; việc thực thi pháp luật nói chung và các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nói riêng ở một số cơ quan, đơn vị địa phương chưa nghiêm.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta có những định hướng lớn về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, về kiểm soát quyền lực nhà nước và xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, phục vụ nhân dân, việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhẳm phòng, chống tham nhũng là sứ mệnh lịch sử khách quan.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại “Xuất sắc” do hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng sản phẩm theo Hợp đồng và vượt các chỉ tiêu đề ra theo Hợp đồng giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Đề tài đã xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, đáp ứng toàn diện, kịp thời yêu cầu của công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, cụ thể: (i) Đã làm rõ được khung lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; (ii) Đã tổng hợp được kinh nghiệm, mô hình kiểm soát quyền lực, nhằm phòng, chống tham nhũng trong lịch sử Việt Nam; kinh nghiệm, mô hình quốc tế về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng và rút ra những giá trị tham khảo đối với Việt Nam; (iii) Đã tổng hợp, đánh giá được khung chính sách, pháp luật của Việt Nam về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, làm rõ thành công, hạn chế và nguyên nhân; (iv) Đã tổng hợp, đánh giá được thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng với vai trò, trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, các chủ thể nhà nước và xã hội, làm rõ thành công, hạn chế và nguyên nhân; (v) Đề xuất được các quan điểm và giải pháp định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Tiếp theo, TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra – Chủ nhiệm đề tài chia sẻ kết quả nghiên cứu chính của đề tài. Chương 1 của đề tài được thiết kế gồm 03 phần: (1) Các công trình nghiên cứu nước ngoài về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng, về kiểm soát quyền lực, kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; (2) Các công trình nghiên cứu trong nước về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng, về kiểm soát quyền lực, về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; (3) Kết luận về kết quả các nghiên cứu về phương diện lý luận, về phương diện thực tiễn và xác định nội dung nhiệm vụ nghiên cứu mới.
Chương 2 có mục tiêu làm rõ cơ sở lý thuyết và mô hình, kinh nghiệm về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, đã tập trung vào 05 trụ cột nội dung: (1) Những vấn đề chung về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng; (2) Những vấn đề chung về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; (3) Đặc điểm của kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong thể chế chính trị Việt Nam; (4) Kinh nghiệm kiểm soát quyền lực nhẳm phòng, chống tham nhũng trong lịch sử Việt Nam; (5) Mô hình, kinh nghiệm nước ngoài về kiểm soát quyển lực nhằm phòng, chống tham nhũng.
Chương 3 về thực trạng chính sách, pháp luật về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam gồm 03 trụ cột chính: (1) Khung chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; (2) Quy định của Hiến pháp về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; (3) Quy định của pháp luật về kiểm soát quyền lực nhẳm phòng, chống tham nhũng. Trong mỗi trụ cột nội dung, Đề tài đều tổng hợp, phân tích, bình luận khung thể chế theo 03 cơ chế kiểm soát: Kiểm soát của Đảng, kiểm soát của Nhà nước, kiểm soát của xã hội. Theo đó, khung thể chế hình thành nên mỗi cơ chế kiểm soát đều được tiếp cận theo chủ thể, đối tượng, nội dung và phương thức kiểm soát. Với cách tiếp cận thực trạng khung thể chế về kiểm soát quyền lực nhẳm phòng, chống tham nhũng theo 03 cơ chế nói trên, Đề tài đã tổng hợp, phân tích và bình luận khá chi tiết và toàn diện các quy định của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan, qua đó, chỉ ra những thành công, bất cập chủ yếu và xác định nguyên nhân.
Chương 4 tiếp cận thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay theo 03 trụ cột nội dung chính: (1) Thực trạng và nguy cơ tham nhũng - tha hóa quyền lực ở Việt Nam hiện nay trong khu vực công và khu vực tư; (2) Thực trạng các cơ chế kiểm soát quyền lực nhẳm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; (3) Nhận định, bình luận chung về thực trạng tổng thể kiểm soát quyền lực nhẳm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay và xác định nguyên nhân.
Chương 5 về quan điểm và giải pháp định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhẳm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam tập trung giải quyết 04 nhóm nội dung ở bản: (1) Bối cảnh và tình hình có liên quan đến kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; (2) Quan điểm, định hướng nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; (3) Giải pháp, định hướng nâng cao hiệu quả các cơ chế kiểm soát quyền lực ở Việt Nam; (4) Đề xuất, kiến nghị cụ thể về chính sách, pháp luật và thực thi chính sách, pháp luật từ kết quả nghiên cứu của Đề tài.
Trao đổi tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đểu cho rằng, Đề tài đã đạt được mục tiêu nghiên cứu thấu đáo, toàn diện hệ thống lý thuyết, pháp luật và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp tổng thể, chiến lược và trước mắt về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Mỗi nội dung nghiên cứu của Đề tài đều được xem xét, phân tích và rút ra được những nhận định, bình luận, kiến nghị khách quan, toàn diện và thuyết phục. Các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn đều được phân tích, đối chiếu, kiểm chứng trong quá trình nghiên cứu thông qua khảo sát thực tiễn, diễn đàn, hội thảo, tọa đàm khoa học. Với cách tiếp cận nói trên, kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ đóng góp thiết thực về cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Kết luận và bế mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn cảm ơn sự tham dự của các đại biểu với những đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, sẵn sàng chia sẻ những đóng góp của đề tài để giá trị Đề tài được đi vào thực tiễn.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng