Hội thảo lần 3 đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 - 2024: “Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước và các công cụ đảm bảo thực hiện nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”
Ngày đăng:  28/09/2024 | 10:33 SA | 92
Ngày 27/9/2024, trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ năm 2023-2024: “Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước và các công vụ bảo đảm thực hiện nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” do ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu.
...

Theo Ban chủ nhiệm đề tài, hiện tại, việc thực hiện trách nhiệm giải trình mặc dù đã có những tiến bộ nhất định những vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Việc giải trình thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng, họp báo nhiều khi còn hình thức. Các hình thức để cán bộ, công chức chịu trách nhiệm còn thiếu mạnh mẽ. Việt Nam mới chỉ áp dụng hình thức lấy phiếu tín nhiệm (đánh giá mức độ tín nhiệm để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ) đối với các chức danh trong Chính phủ mà chưa áp dụng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm trên thực tế. Việc lấy phiếu tín nhiệm còn nể nang, hình thức, ít tác dụng trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Hầu hết việc vi phạm quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình ít được xử lý nghiêm, chưa thực hiện văn hóa từ chức đối với lãnh đạo không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Kết quả khảo sát PAPI năm 2020 cũng có thấy thí điểm chỉ số nội dung “trách nhiệm giải trình với người dân” năm 2020 của Việt Nam ở mức thấp, với mức điểm cấp tỉnh chỉ trong khoảng từ 4,4 đến 5,82 trên thang điểm từ 1 đến 10.

Đề tài bố cục gồm 3 phần: (1) Cơ sở lý luận về thực hiện trách nhiệm giải trình và công cụ bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; (2) Thực trạng thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước nhằm PCTN, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay; (3) Quan điểm, giải pháp cho việc thực hiện và hoàn thiện công cụ bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm PCTN, tiêu cực.

Đề tài đã làm rõ được thực trạng thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước nhằm PCTN, tiêu cực; Thực trạng và đánh giá thực trạng công cụ bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước nhằm PCTN, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay và chỉ ra được những hạn chế, nguyên nhân: Một là, chất lượng của một số công cụ bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm, giải trình của cơ quan hành chính nhà nước còn chưa cao; Hai là, việc sử dụng một số công cụ như công nghệ và báo chí, truyền thông vào việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước nhằm PCTN, tiêu cực còn hạn chế; Ba là, mức độ đồng bộ của công cụ chưa cao nên chưa tạo ra được sức mạnh tổng thể trong việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình; Bốn là, mức độ phát triển của một số công cụ còn chậm so với yêu cầu đặt ra ngày càng cao.

Đề tài đưa ra được quan điểm, giải pháp cho việc thực hiện và hoàn thiện công cụ bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm PCTN, tiêu cực. Về giải pháp tổ chức thực hiện gồm: Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn để phát triển nhận thức và hành dộng thực hiện trách nhiệm giải trình  của cán bộ, công chức nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực chính sách công, trong xây dựng văn bản chính sách pháp luật để phòng ngừa tham nhũng chính sách; Tăng cường số lượng, chất lượng hoạt động giải trình về PCTN, tiêu cực; Tăng cường trách nhiệm giải trình trong một số lĩnh vực quản lý khác dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; Quy kết trách nhiệm rõ rang, cụ thể và có biện pháp xử lý trách nhiệm khi có hậu quả xảy ra để bảo đảm hiệu quả PCTN, tiêu cực của việc thực hiện trách nhiệm giải trình. Về giải pháp hoàn thiện công cụ bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm PCTN, tiêu cực gồm: Kiện toàn các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức thực hiện trách nhiệm giải trình; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước; Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính và công nghệ số; Hoàn thiện các kênh thông tin, báo chí, truyền thông.

Góp ý tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, phạm vi nghiên cứu cần khuôn lại, đề tài cần tập trung làm rõ: Có giải trình các văn bản quy phạm pháp luật hay cả các quyết định cá biệt? Làm rõ ai phải giải trình? Giải trình nội dung gì; giải trình với ai và giải trình như thế nào? Đề tài cần nghiên cứu xem lại một số nội dung như: Công cụ bảo đảm, pháp luật chuyên ngành, mối liên hệ giữa các giải trình, cần xắp xếp lại. Phần hạn chế, nguyên nhân chưa rõ ý, cân nhắc lại, có thể bóc tách các phần và có sự phân tích sâu hơn, một số nội dung có thể lược bớt.

ThS. Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ đánh giá đề tài đề tài có một khối lượng nội dung dày dặn, nhiều thông tin, sản phẩm khá toàn diện, tốt, tuy nhiên đề tài đang có tiếp cận tương đối rộng, có thể biên tập gọn lại một số nội dung để không mất đi trọng tâm chính của đề tài. Đề tài cần tập trung nghiên cứu nhấn mạnh hai nội dung chính: Việc thục hiện PCTN trong trách nhiệm giải trình; Trách nhiệm giải trình về nội dung khá mà có liên quan đến PCTN. Chương II cần thể hiện rõ nét hơn theo Luật PCTN. Phần đánh giá hạn chế, nguyên nhân cân nhắc, xem xét lại một số nhận định: Khi phân tích việc công khai các kết luận thanh tra, tuy nhiên thực tiễn những nội dung thanh tra đang có vướng mắc, có vấn đề thì sẽ được đưa vào danh mục bảo mật; Những rủi ro trong quá trình  thanh tra, không nằm ở khâu đi nắm tình hình, thực tế nó nằm ngay từ khâu kế hoạch thanh tra; liên quan đến Tòa án cũng cần cân nhắc lại; thiếu công cụ để kiểm soát thực hiện trách nhiệm giải trình… Phần giải pháp cũng cần cân nhắc và lược bớt, bám vào những tồn tại hạn chế tại chương II.

TS. Lê Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa, Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ góp ý Chương I nên bổ sung thêm nội dung các yếu tố tác động vào mối quan hệ giải trình. Phần giải pháp nên tách ra làm hai mảng sẽ rõ nghĩa và cụ thể hơn:Điều kiện bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm giải trình và xử lý việc thực hiện trách nhiệm giải trình.

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự để hoàn thiện nội dung nghiên cứu./.

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng