Hội thảo lần 3 đề tài khoa học cấp bộ: “Đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam
Ngày đăng:  15/08/2024 | 08:43 SA | 127
Ngày 14 tháng 8 năm 2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ: “Đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” tổ chức hội thảo lần 3. ThS. Dương Văn Huế, Phó Chánh Văn phòng, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm đề tài.
...

Tại cuộc hội thảo, TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu. Theo Ban chủ nhiệm đề tài, công tác tiếp công dân là vấn đề được cả xã hội quan tâm, là công tác quan trọng trong các hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam. Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song thực tiễn công tác tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp, tình trạng khiếu kiện đông người vượt cấp tiếp tục gia tăng, phát sinh nhiều điểm nóng gây mất ổn định xã hội. Phần lớn những khiếu kiện của công dân liên quan đến đất đai, mặc dù vậy, công tác tiếp công dân ở các cấp, các ngành trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tiếp công dân, việc phối kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các cơ quan Đảng, đoàn thể còn gặp nhiều khó khăn, đang là rào cản cần sớm có giải pháp khắc phục.

Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực trạng về tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam, Đề tài đưa ra những giải pháp đổi mới như sau: Hoàn thiện pháp luật tiếp công dân theo hướng đổi mới về tổ chức và hoạt động tiếp công dân; Hoàn thiện các quy định của Đảng về tiếp nhận, xử lý đơn, tiếp đảng viên và công dân; Giải pháp đổi mới về tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến kết cấu, cách tiếp cận và các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam. ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin, thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, tên của mục 3.1 là quan điểm hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam là không chính xác vì với tên đề tài là đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân thì quan điểm ở đây nên sửa là quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam; bổ sung quan điểm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước; điều chỉnh lại kết cấu tại chương III, mục 3.1 là quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt nam, mục 3.2 là giải pháp đổi mới về tổ chức và hoạt động tiếp công dân.

TS. Mai Văn Duẩn, Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh góp ý, Ban chủ nhiệm đề tài cần có sự phân biệt giữa đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị với đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị Việt Nam; cần tập trung đánh giá về tổ chức và hoạt động của cơ quan tiếp dân, cơ quan dân cử; bổ sung quan điểm, yêu cầu đổi mới phải mang lại hiệu quả cho tổ chức và hoạt động tiếp công dân; nội dung đổi mới nên được nghiên cứu trên hai phương diện: Đổi mới tổ chức và đổi mới hoạt động để từ đó đưa ra hướng hoàn thiện.

ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin, Thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh đánh giá, cách tiếp cận và nội dung nghiên cứu của đề tài chưa hướng tới sự đổi mới về tổ chức và hoạt động tiếp công dân. Do vậy, Ban chủ nhiệm đề tài nên cơ cấu lại nội dung của đề tài, nhất là đối với chương III, cần thể hiện ở tầm vĩ mô và đảm bảo sự hợp lý, logic; thể hiện rõ hơn nội dung của quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân.

TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhận thấy, Đề tài cần mô hình hóa, thay vì đưa ra những quy định pháp luật quá chi tiết. Ban chủ nhiệm đề tài nên tổng hợp lại toàn bộ những nội dung nghiên cứu để người đọc hình dung tổng thể vấn đề tổ chức và hoạt động tiếp công dân; các giải pháp đưa ra đang được nghiên cứu rất chi tiết mà chưa làm rõ được tổng thể sự đổi mới.

Kết thúc hội thảo, TS. Cung Phi Hùng phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu đã góp ý cho Đề tài. Việc đổi mới sẽ được Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu trên hai phương diện: Tổ chức và hoạt động tiếp công dân; phần quan điểm sẽ bổ sung thêm một vài quan điểm theo ý kiến của đại biểu: Đổi mới tổ chức và hoạt động phù hợp với điều kiện nguồn nhân lực, điều kiện vật chất, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương và đổi mới để nâng cao hiệu quả tiếp công dân; phần giải pháp kết cấu lại cho tập trung, hợp lý và logic hơn.

Tin: Đậu Hiền

Ảnh: Hữu Thắng