Hội thảo lần 1 đề tài khoa học cấp bộ năm 2024 - 2025 “Kiểm soát quyền ban hành quyết định hành chính của ủy ban nhân dân các cấp nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”
Ngày đăng:  21/06/2024 | 08:50 SA | 136
Ngày 20/6/2024, Trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ năm 2024-2025: “Kiểm soát quyền ban hành quyết định hành chính của ủy ban nhân dân các cấp nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” do TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo lần 1.
...

Tại Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài đã giới thiệu khái quát tính cấp thiết, mục tiêu nghiên cứu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu và những nội dung nghiên cứu. Theo đó, quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp nói chung và cấp tỉnh nói riêng là “sản phẩm đầu ra” của quá tình thực thi công vụ của UBND nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương (những chủ thể được trao quyền, nhân danh quyền lực nhà nước để thực thi công vụ). Quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện thông qua ba bộ phận quyền: Quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Trong đó, quyền hành pháp bao gồm quyền lập quy và quyền hành chính. Quyền lập quy bao hàm quyền hoạch định chính sách quốc gia, quyền xác lập, ban hành văn bản pháp quy. Quyền hành chính bao hàm quyền tổ chức, điều hành hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, triển khai chính sách, pháp luật. Thực tế tại Việt Nam, Chính phủ là thực thể cao nhất của quyền hành pháp.

Kiểm soát quyền lực nhà nước đang là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. “Điều kiện đầu tiên của Nhà nước pháp quyền là bảo đảm các quyền tự do của công dân bằng các quy định của pháp luật rành mạch, không ai được vi phạm”. Kiểm soát quyền lực nói chung là nhu cầu tất yếu trong nền dân chủ, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền ban hành quyết định hành chính của UBND các cấp nhằm ngăn chặn sự tùy tiện, chống lại sự tha hóa, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi quyền lực nhà nước của UBND các cấp chính là phương thức hữu hiệu để tạo dựng môi trường công vụ minh bạch, liêm chính, bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi  hiệu quả, khách quan, công bằng. Do vậy, kiểm soát việc sử dụng quyền lực nhà nước trong quá trình này là công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của chính quyền địa phương.

Với mục tiêu nghiên cứu đề xuất giải pháp kiểm soát quyền ban hành quyết định hành chính của UBND cấp tỉnh nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề tài có kết cấu các mục gắn với 03 nội dung nghiên cứu: (1) Những vấn đề chung về kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền ban hành quyết định hành chính của UBND cấp tỉnh nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (2) Thực trạng kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền ban hành quyết định hành chính của UBND cấp tỉnh; (3) Quan điểm, giải pháp tăng cường kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền ban hành quyết định hành chính của UBND cấp tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại Hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung như: Về kết cấu (việc kết cấu các mục gắn với 03 nội dung nghiên cứu đã phù hợp chưa?) Về phạm vi, về nội dung nghiên cứu chính.

Kết cấu của đề tài gồm 3 phần cơ bản là hợp lý.

Phạm vi nghiên cứu cần tập trung vào cấp có nguy cơ tham nhũng cao, cụ thể là cấp tỉnh, tuy nhiên có thể mở rộng thêm các cấp (huyện, xã).

Việc phân loại quyết định hành chính có ý nghĩa trong việc áp dụng nội dung và phương thức kiểm soát. Quyết định hành chính có hai loại: một là, được hình thành dựa trên Nghị quyết của HĐND (nguy cơ tham nhũng không nhiều); hai là, quyết định hành chính dựa trên chủ trương, nghị quyết của Ban thường vụ tỉnh ủy. .  Quyết định cá biệt thì có cần phân loại không?  Đề tài cần có sự thể hiện rõ và phân tích thêm các dạng quyết định, mỗi quyết định hành chính đều có sự khác biệt, tùy mức độ, tùy quyết định thì sự công khai minh bạch sẽ khác nhau. Khoanh vùng cấp nào không quan trọng bằng việc xác định, giới hạn và phân loại rõ quyết định hành chính sẽ xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu. Cân nhắc lại phạm vi, đề tài cần thể hiện rõ hơn yếu tố ảnh hưởng.

Về nội dung các mục cần bổ sung thêm một mục riêng, thể hiện rõ phương thức kiểm soát như thế nào? Quyền ban hành quyết định hành chính của UBND các cấp, đề tài cần làm rõ là quyết định gì? Quyết định hành chính gồm: quyết định quy phạm và quyết định cá biệt, cần phân tích sâu hơn sự hình thành của 2 quyết định này là khác nhau, do đó sự kiểm soát cũng khác nhau, và có sự so sánh.

Nội dung 1 nhấn mạnh hơn vai trò của việc kiểm soát; chủ thể kiểm soát có thể bổ sung thêm: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội người cao tuổi, Đoàn Luật sư, báo chí…

Nội dung 3 bổ sung thêm đánh giá, dự báo về xu hướng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự nhằm hoàn thiện nội dung nghiên cứu của đề tài.

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng