Hội thảo đề tài khoa học cấp bộ: “kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng
Ngày đăng:  21/06/2024 | 04:10 CH | 209
Ngày 21 tháng 6 năm 2024, tại Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ: “Kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng” tổ chức hội thảo về thực trạng kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng. ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra làm Chủ nhiệm đề tài, chủ trì cuộc hội thảo.
...

Mở đầu cuộc hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Lý, giảng viên, Khoa Luật học, Viện Khoa học xã hội trình bày tham luận: “Kiểm soát xung đột lợi ích trong công ty thông qua kiểm soát các giao dịch có khả năng tư lợi”. Tại tham luận, TS. Nguyễn Thanh Lý cho rằng, hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về kiểm soát giao dịch có khả năng tư lợi trong công ty cần có các giải pháp thích hợp, cụ thể: Một là, để nhận diện chính xác về tình huống xung đột lợi ích và giao dịch có khả năng tư lợi trong công ty, pháp luật doanh nghiệp cần đưa ra khái niệm về giao dịch có khả năng tư lợi; Hai là, cần công khai, minh bạch thông tin chứa đựng yếu tố xung đột lợi ích trong giao dịch có khả năng tư lợi; Ba là, kiểm soát các giao dịch có khả năng tư lợi cần đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ của người quản lý công ty; Bốn là, nâng cao hiệu quả kiểm soát giao dịch khả năng tư lợi trong công ty cần nhận thức và sử dụng có hiệu quả đối với Điều lệ và các văn bản nội bộ khác của công ty; Năm là, các giải pháp liên quan đến xử lý vi phạm trong giao kết và thực hiện giao dịch có khả năng tư lợi cần lưu ý mức xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản trị công ty đại chúng nói chung, xử lý vi phạm trong giao kết vào thực hiện giao dịch có khả năng tư lợi nói riêng còn quá nhẹ so với hậu quả mà hành vi vi phạm mang lại.

Tiếp theo, ThS. Phùng Thị Mai Ly, Thanh tra viên, Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước trình bày tham luận: “Xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích trong tổ chức tín dụng”, trong đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn xung đột lợi ích: Hoàn thiện khung pháp lý; đào tạo, nâng cao trình độ hiểu biết của cán bộ, nhân viên về chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện đúng các cơ chế, chính sách, quy định và quy trình nội bộ của tổ chức tín dụng; tổ chức tín dụng cần có biện pháp tuyên truyền về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên về nội dung này; có hình thức, biện pháp để nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên.

ThS. Vũ Đức Hoan, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra trình bày tham luận: “Một số vấn đề về kiểm soát xung đột lợi ích trong các tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng” nhấn mạnh, để kịp thời ngăn ngừa các hành vi tham nhũng phát sinh trong các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, trong thời gian tới cần thực hiện một số biện pháp: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích nói riêng đối với tổ chức khu vực ngoài nhà nước; định kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố kết quả kiểm tra, thanh tra tổ chức xã hội về pháp luật phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng.

ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh trình bày tham luận: “Những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng từ thực tiễn kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước”. Theo đó, tham luận tập trung làm rõ những tiến triển về công tác xây dựng thể chế, chính sách điều chỉnh về kiểm soát xung đột lợi ích nhằm phòng, chống tham nhũng, như: Quốc hội đã ban hành Luật các tổ chức tín dụng năm 2024; Bộ Nội vụ có nhiều văn bản điều chỉnh về việc thành lập Hội; Bộ Tài chính ban hành, sửa đổi các quy định về tài chính liên quan đến việc huy động sự đóng góp của nhân dân… Tham luận cũng tập trung làm rõ thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước.

Tại hội thảo, đồng chí Vũ Minh, Hội chữ thập đỏ góp ý, xung đột lợi ích thực chất là sai phạm tài chính. Do vậy, cần có sự kiểm soát về sai phạm tài chính, đặc biệt là thẩm định, phân cấp quản lý, phải có tiêu chí, thang bảng điểm, người đi khảo sát, sau đó mới bình chọn. Lựa chọn người hưởng lợi, kiểm soát sai phạm để kiểm soát xung đột lợi ích. Việc sử dụng tài chính, bắt buộc phải qua đấu thầu theo quy định của pháp luật. Do vậy, cần xây dựng được các quy định, phân cấp quản lýgiáo dục về liêm chính.

TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đây là đề tài thuộc lĩnh vực phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư. Về cách tiếp cận, Ban chủ nhiệm đề tài nên tiếp cận những vấn đề mang tính thời sự; bổ sung kinh nghiệm quốc tế; tách bạch hai vấn đề là phòng ngừa và xử lý ở phần thực trạng.

Kết thúc cuộc hội thảo, ThS. Lê Thị Thuý đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo để tiếp tục hoàn thiện nội dung nghiên cứu của Đề tài.

Tin: Đậu Hiền

     Ảnh: Hữu Thắng