Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu đánh giá thí điểm và đề xuất hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp bộ”
Ngày đăng:  13/06/2024 | 03:51 CH | 176
Trong khuôn khổ Kế hoạch triển khai phi dự án hợp tác với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam “Hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024” theo Quyết định số 10/QĐ-TTCP ngày 09/01/2023 của Tổng Thanh tra Chính phủ, ngày 13/6/2024 tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT) phối hợp với UNDP tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Chia sẻ kết quả nghiên cứu đánh giá thí điểm và đề xuất hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp bộ”. Tham dự Hội thảo có đại diện đến từ Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ ngành TW, một số Viện nghiên cứu, Trường Đại học… tại Hà Nội.
...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện CL&KHTT cho biết, theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN về việc Tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội,  được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Để công tác PCTNTC có hiệu quả, việc đo lường, xác định mức độ tham nhũng và đánh giá thực trạng công tác PCTN có vai trò quan trọng. Mặc dù Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh được áp dụng thường xuyên từ năm 2016 đến nay nhưng tại Việt Nam hiện chưa có Bộ chỉ số chuyên biệt nhằm đánh giá công tác PCTN ở cấp bộ, ngành. Trong khi đó, việc đánh giá công tác PCTN của bộ, ngành là yêu cầu bắt buộc của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN. Đây là nhiệm vụ phức tạp về nội dung, kỹ thuật và gặp nhiều khó khăn do chưa có tiền lệ nên Thanh tra Chính phủ đã nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá thí điểm công tác PCTN năm 2021 tại một số bộ, ngành để thử nghiệm trong phạm vi hẹp, từ đó rút kinh nghiệm về cách thức tổ chức triển khai và tiếp tục hoàn thiện hơn bộ công cụ đánh giá…

Chia sẻ kết quả nghiên cứu đánh giá thí điểm công tác PCTN tại một số bộ, TS. Nguyễn Văn Kim, Nguyên Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ - Chuyên gia dự án cho biết, Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp bộ là tập hợp các chỉ số thước đo thành phần được sử dụng để đo lường một cách toàn diện, khách quan, hiệu quả việc thi hành pháp luật về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng của mỗi cơ quan hành chính nhà nước ở cấp bộ nhất định. Việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp bộ phải đảm bảo yêu cầu: Một là, nội dung Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp bộ phải được xây dựng phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ được đánh giá; Hai là, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá phải đảm bảo tính thống nhất, công bằng, khách quan, đảm bảo độ tin cậy, gọn nhẹ và hiệu quả.


 

Nội dung Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp bộ gồm bốn phần: Đánh giá việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN; Đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; Đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng; Đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng. Trên cơ sở đó, Báo cáo cũng đưa ra nhận định qua thực tiễn đánh giá thí điểm công tác PCTN tại một số bộ về công tác tổ chức đánh giá thí điểm và về nội dung Bộ chỉ số đánh giá thí điểm nêu trên…

Đề xuất hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp bộ, TS. Đinh Văn Minh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, nêu lên hai phương án khuyến nghị về cách tiếp cận: Phương án 1 là hoàn thiện Bộ chỉ số trên cơ sở những vướng mắc, hạn chế đặt ra sau khi thực hiện Bộ chỉ số đánh giá thí điểm với cách tiếp cận và phương pháp triển khai thí điểm; Phương án 2 là xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số với phương pháp luận, cách tiếp cận mới hơn về phương pháp, về chủ thể và về nội dung đánh giá… Một số khuyến nghị cụ thể về hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá bao gồm: Tiếp tục nghiên cứu thực hiện thí điểm để các bộ, ngành dần quen với hoạt động này; ban hành kế hoạch đánh giá thí điểm với lộ trình cụ thể, rõ ràng; Lãnh đạo bộ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần thực sự quan tâm triển khai thực hiện tự đánh giá công tác PCTN trong nội bộ; chỉ đạo, giám sát, quan tâm đúng mức về công tác này; tập huấn, hướng dẫn việc đánh giá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quá trình thực hiện đánh giá; tổ chức nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, thống nhất tổng thể Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp bộ trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với thực tế của bộ và khắc phục những vướng mắc kỹ thuật đặt ra khi áp dụng thí điểm…

Hội thảo cũng được nghe các đại diện đến từ Thanh tra Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ những vấn đề đặt ra qua thực hiện Bộ chỉ số đánh giá thí điểm công tác PCTN tại các cơ quan này xoay quanh các vấn đề về việc ban hành kế hoạch thực hiện, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất các phương án thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN…

Góp ý hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp bộ, ông Lê Huy Thắm, Phó Cục trưởng Cục PCTN, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của thủ trưởng các bộ trong việc bố trí nguồn nhân lực, vật chất kỹ thuật cho đánh giá công tác PCTN; cần xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn để đánh giá tốt công tác PCTN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá công tác PCTN…

Theo TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cần thiết kế một bộ chỉ số dùng chung cho tất cả các bộ để có hệ quy chiếu đánh giá chung; đồng thời, nên sử dụng những kết quả báo cáo hoạt động công vụ đã xây dựng để đánh giá nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực. Việc ban hành bộ chỉ số chung có thể được xây dựng dưới dạng thông tư hướng dẫn, bám sát quy định Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định hướng dẫn thi hành…

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự về việc hướng tới xây dựng Bộ chỉ số chung đánh giá công tác PCTN để thống nhất áp dụng; sự đảm bảo về chất lượng thông tin, dữ liệu đánh giá; đẩy mạnh công nghệ thông tin; bố trí nguồn nhân lực; việc đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan trong công tác đánh giá, sự công khai, minh bạch về phương pháp thực hiện đánh giá công tác PCTN…

Tin: Thanh Minh

Ảnh: Hữu Thắng