Hội thảo lần 2 đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 - 2024 “Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước và các công cụ bảo đảm thực hiện nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”
Ngày đăng:  31/05/2024 | 02:50 CH | 104
Ngày 30/5/2024, trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ năm 2023-2024: “Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước và các công cụ bỏ đảm thực hiện nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” do ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo lần 2.
...

Sau phần giới thiệu Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày nội dung thảo luận. Theo đó, Ban chủ nhiệm đã xây dựng được cơ sở lý luận về thực hiện trách nhiệm giải trình và công cụ bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực trạng thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hội thảo lần này với mục đích đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng, Ban chủ nhiệm đề tài  mong muốn nhận được những chia sẻ, góp ý của các đại biểu để hoàn thiện hơn nội dung này.

Hiện tại, việc thực hiện trách nhiệm giải trình mặc dù đã có những tiến bộ nhất định những vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Việc giải trình thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng, họp báo nhiều khi còn hình thức. Các hình thức để cán bộ, công chức chịu trách nhiệm còn thiếu mạnh mẽ. Việt Nam mới chỉ áp dụng hình thức lấy phiếu tín nhiệm (đánh giá mức độ tín nhiệm để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ) đối với các chức danh trong Chính phủ mà chưa áp dụng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm trên thực tế. Việc lấy phiếu tín nhiệm còn nể nang, hình thức, ít tác dụng trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Hầu hết việc vi phạm quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình ít được xử lý nghiêm, chưa thực hiện văn hóa từ chức đối với lãnh đạo không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Kết quả khảo sát PAPI năm 2020 cũng có thấy thí điểm chỉ số nội dung “trách nhiệm giải trình với người dân” năm 2020 của Việt Nam ở mức thấp, với mức điểm cấp tỉnh chỉ trong khoảng từ 4,4 đến 5,82 trên thang điểm từ 1 đến 10.

Một trong những lí do quan trọng dẫn tới những hạn chế này là các công cụ bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình, như công cụ pháp lý, công cụ tổ chức, con người, công cụ tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ còn chưa hoàn thiện.  Thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước trước cơ quan quyền lực nhà nước còn nhiều hạn chế, các báo cáo còn chung chung, giải pháp chưa cụ thể, khả thi. Việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, một số Bộ, ngành Trung ương chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị; việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước đôi khi còn gặp khó khăn, né tránh, đùn đẩy lẫn nhau, cá nhân đổ lỗi cho cơ quan, đơn vị, cho cơ chế; việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính trước xã hội chưa thực hiện đầy đủ về họp báo, chưa kịp thông tin kịp thời đến công chúng, một số trường hợp thông tin còn vòng vo, né tránh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị tài liệu của Ban chủ nhiệm đề tài, nội dung cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu của một đề tài cấp bộ, thể hiện sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học. Các đại biểu đã chia sẻ, góp ý xoay quanh các nội dung như: Đề tài có phạm vi nghiên cứu quá rộng, nên khuôn lại, cần tập trung hướng đến cho phòng, chống tham nhũng. Chúng ta có cơ quan chuyên trách, nên cần đề cập trách nhiệm giải trình về phòng, chống tham nhũng.

Phần lý luận cần tách bạch rõ hơn, trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý và với phòng, chóng tham nhũng có nội hàm như thế nào. Đề tài có thể tham khảo các Báo cáo của Thanh tra Chính phủ

Đề tài cần tập trung làm rõ hơn trách nhiệm giải trình về phòng chống tham nhũng, làm rõ ai? chủ thể nào? công việc cụ thể là gì? Cách thức, phương thức, công cụ giải trình cần làm rõ hơn, công tác cán bộ cũng cần được đề cập.

Cần có nội dung giải trình cụ thể, hoạch định chính sách. Liên quan đến phòng, chống tham nhũng là cần thiết giải trình về tiền và tài sản, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung giải quyết hai vấn đề: trách nhiệm giải trình và các công cụ bảo đảm. Công cụ bảo đảm cần được thể hiện rõ nghĩa hơn, có thể lược bỏ bớt yếu tố con người.

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề tài trong thời gian tới./.

Tin và ảnh: Nguyễn Tuyết