Phê duyệt thuyết minh đề tài khoa học cấp bộ: “Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước - thực trạng và giải pháp”
Ngày đăng:  25/12/2023 | 01:30 CH | 211
Ngày 25 tháng 12 năm 2023, Thanh tra Chính phủ tổ chức phê duyệt đề tài khoa học cấp bộ: “Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước”. Đề tài do ThS. Đỗ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp, Thanh tra Chính phủ đăng ký làm chủ trì. TS. Nguyễn Văn Kim, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ làm Chủ tịch hội đồng.
...

Tại cuộc họp, ThS. Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, cơ chế quản lý cũng như thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp nhà ước còn chậm, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực chậm được phát hiện, đã xảy ra không ít vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong các doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát lớn về tiền, tài sản Nhà nước trong các doanh nghiệp, nhiều người có chức vụ cao bị xử lý hình sự, bị kết án rất nặng. Kết quả xử lý các vụ án này có thể rút ra những bài học về thanh tra với các doanh nghiệp nhà nước, bởi lẽ, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra trong doanh nghiệp nhà nước một thời gian dài nhưng không được phát hiện sớm bởi cơ chế thanh tra.

Qua thực tiễn các cuộc thanh tra nói chung và thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nói riêng cũng cho thấy đang có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc tiến hành các cuộc thanh tra, từ việc xác định đối tượng, xây dựng kế hoạch thanh tra, các biện pháp nghiệp vụ, quy trình, thủ tục tiến hành các cuộc thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu chung là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, tổng kết thực tiễn và đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước, Đề tài dự kiến triển khai 03 nội dung: (1) Cơ sở lý luận về tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra trong bối cảnh thực hiện chủ trương phân quyền trong quản lý nhà nước; (2) Thực trạng thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước; (3) Quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu góp ý cho Thuyết minh đề tài, TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Uỷ viên phản biện 1 cho rằng, thuyết minh được chuẩn bị rất tốt. Nội dung nghiên cứu 2 có ý nghĩa rất quan trọng, từ thực trạng về việc thanh tra tại doanh nghiệp nhà nước, cần chỉ ra bài học kinh nghiệm trong việc thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nướccác dạng sai phạm chính thường xảy ra. Nội dung nghiên cứu 3, phần giải pháp cần đề xuất đề cương những nội dung thanh tra việc quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.

TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Uỷ viên phản biện 2 nhận xét, đây là nội dung nghiên cứu đáp ứng được tính thực tiễn hiện nay. Về mặt hình thức, thuyết minh đã đảm bảo tính kết cấu. Về mục tiêu cụ thể cần nhóm gọn lại thành ba vấn đề: lý luận, thực trạng và giải pháp. Phạm vi nghiên cứu của đề tài cần được xác định rõ hơn. Tính cấp thiết của đề tài cần phân tích rõ hạn chế, bất cập từ hoạt động thanh tra đặt ra. Nội dung nghiên cứu cần bổ sung một số nội dung về việc kiểm soát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

ThS. Văn Tiến Mai, Phó Cục trưởng Cục 5, Thanh tra Chính phủ, Ủy viên góp ý, tính cấp thiết nghiên cứu cần làm rõ những hạn chế, bất cập; lược bỏ một số quy định pháp luật không phù hợp; bỏ một số nội dung về kiểm tra.

ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Ủy viên thư ký góp ý cần bổ sung một số công trình nghiên cứu có liên quan, trong đó vấn đề tồn tại là chưa có đánh giá về vấn đề thực tiễn. Về nội dung nghiên cứu, bổ sung vai trò của hoạt động thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.

Kết thúc cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Kim kết luận: Đề tài nên có khái quát chung về vấn đề đặt ra, làm rõ khái niệm doanh nghiệp nhà nước, làm rõ đặc điểm, vai trò, thẩm quyền thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu nghiên cứu tập trung quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động thanh tra về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Tính cấp thiết làm rõ nhiều cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát và những tồn tại, hạn chế của công tác thanh tra; tổng quan tình hình nghiên cứu nên bổ sung các công trình nghiên cứu, đề án và luận giải rõ lý do cần nghiên cứu. Nội dung nghiên cứu phân tích rõ thực trạng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.

Với kết quả cho điểm của Hội đồng, đề tài đã được thống nhất thông qua và được đưa vào Kế hoạch nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ năm 2024 - 2025./.

Tin: Đậu Hiền

Ảnh: Hữu Thắng