Nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2023: “Xây dựng thư viện số ngành Thanh tra”
Ngày đăng:  25/12/2023 | 03:59 CH | 211
Ngày 25/12/2023, Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ (Hội đồng nghiệm thu) đã tổ chức buổi họp nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2023: “Xây dựng thư viện số ngành Thanh tra”. Đề tài do bà Phạm Thị Thanh Minh, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) làm chủ nhiệm. TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu chủ trì buổi họp.
...

Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài, xây dựng thư viện số đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của các thư viện trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Điều này xuất phát từ sự phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động thư viện. Ở Việt Nam, các Thư viện đều đã có ứng dụng công nghệ vào hoạt động thư viện, tùy vào chức năng, nhiệm vụ, quy mô, định hướng phát triển… của từng thư viện mà việc phát triển thư viện theo hướng hiện đại được thực hiện ở quy mô và mức độ khác nhau. Thư viện TTCP là thư viện chuyên ngành, cũng không nằm ngoài xu thế phát triển chung đó.

Xây dựng thư viện số ngành Thanh tra là việc xây dựng thư viện hoặc một bộ phận thư viện có nguồn tài nguyên thông tin chuyên ngành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các tài liệu có liên quan, được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng thư viện truy cập, khai thác thông tin qua thiết bị điện tử và không gian mạng internet.

Đã có nhiều quy định mang tính chất quy định chung về lĩnh vực này nhưng chưa có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về nội dung, phương thức, tiêu chuẩn… nhằm đảm bảo sự thực hiện đồng bộ, thống nhất trên thực tiễn, dẫn đến việc thực hiện các quy định này chưa thống nhất và chưa tạo sự chuyển biến rõ nét. Các thư viện trong cả nước nói chung, và các thư viện chuyên ngành nói riêng xây dựng và phát triển thư viện số theo cách riêng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quy mô, định hướng phát triển, mức độ, tiêu chuẩn khác nhau… Điều đó tạo nên sự phát triển không đồng bộ và thiếu tính thống nhất trong việc phát triển thư viện số, thư viện hiện đại giữa các cơ quan, trung tâm thông tin  thư viện, cũng như thiếu tính liên kết, liên thông thư viện, trong đó có Thư viện TTCP.

Việc xây dựng thư viện số ngành Thanh tra sẽ xây dựng cho ngành Thanh tra hệ thống cơ sở dữ liệu thư viện chuyên ngành có tổ chức, được lưu trữ, bảo quản lâu dài và đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng tài liệu số của công chức, viên chức ngành Thanh tra. Tuy nhiên, thư viện mới chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng cơ sở dữ liệu dạng thư mục và tài liệu ở dạng sách mà chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng tài liệu số của cán bộ, công chức, viên chức và bạn đọc trong và ngoài ngành Thanh tra, do đó, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của của cán bộ công chức, viên chức trong và ngoài Ngành, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số ngành Thanh tra là cần thiết…

Với cách tiếp cận truyền thống, đề tài đã làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm xây dựng thư viện số ngành Thanh tra. Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Một số vấn đề chung về xây dựng thư viện số ngành Thanh tra, ii) Nhu cầu sử dụng thư viện số và khả năng xây dựng thư viện số ngành Thanh tra, iii) Giải pháp kiến nghị xây dựng thư viện số ngành Thanh tra.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, nghiêm túc trong nghiên cứu, sản phẩm đầy đủ, bố cục cơ bản hợp lý, đáp ứng được mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đúng tiến độ, có giá trị khoa học và ứng dụng cao, có tính thời sự, tính mới.

Để chất lượng đề tài được hoàn thiện hơn, đề tài cần làm rõ hơn những vấn đề xâm phạm quyền tác giả, tác động của hệ thống pháp luật đối với việc xây dựng thư viện số, những nguyên tắc xây dựng.

Bổ sung thêm phương án thuê nhà cung cấp bên ngoài trong việc cung cấp dịch vụ xây dựng thư viện số và sự phối hợp với Trung tâm thông tin trong việc xây dựng thư viện số ngành Thanh tra.

Chương II biên tập lại tiêu đề.

Phần giải pháp, kiến nghị có thể mạnh dạn đề xuất thư viện số ngành Thanh tra trở thành kho lưu trữ hồ sơ, tài liệu trong quá trình thực hiện công việc của cán bộ, công chức, viên chức TTCP nói riêng (trước mắt), và toàn ngành Thanh tra nói chung (về lâu dài); lưu trữ cả các lĩnh vực thanh tra (như tài liệu, hồ sơ thanh tra…) nhằm phục vụ hoạt động của ngành.

Bổ sung thêm phần kết luận, nội dung kiến nghị cho dày dặn thêm dung lượng.

Tách Báo cáo Tóm tắt và Báo cáo Tổng thuật riêng.

Kết thúc cuộc họp, Đề tài “Xây dựng thư viện số ngành Thanh tra” được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Khá./.

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng