Nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở: “Tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước”
Ngày đăng:  22/12/2023 | 11:05 SA | 219
Ngày 22/12/2023, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở: “Tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước”. Đề tài do ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra làm Chủ tịch Hội đồng.
...

Tại hội thảo, ThS. Lê Văn Đức cho rằng, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn những bất cập, hạn chế trên các phương diện sau đây: Thứ nhất, về thực tiễn, hiện nay nhiều phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước chưa được các cơ quan nhà nước giải quyết thỏa đáng. Vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức khi giải quyết công việc với các cơ quan hành chính; Thứ hai, về pháp luật. pháp luật thực định hiện nay đang xác lập nhiều phương thức để người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, tố giác. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước đã bước đầu được quy định trong các văn bản pháp luật, như Luật tiếp công dân, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo, Thông tư số 06/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân, Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị. Mặc dù các văn bản pháp luật đã bước đầu điều chỉnh về tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước, nhưng các văn bản pháp luật quy định chưa đồng bộ, thống nhất và toàn diện về vấn đề này. Vì những lý do nêu trên, việc nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở: “Tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước” là cần thiết.

Chủ nhiệm đề tài trình mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước. Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu, đề tài triển khai 03 nội dung: (1) Nhữngvấn đề chung về tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước; (2) Thực trạng tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước; (3) Giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước.

Góp ý tại buổi nghiệm thu, ThS. Văn Tiến Mai, Phó Cục trưởng Cục 5, Thanh tra Chính phủ cho rằng, phần lý luận và thực trạng cần được thể hiện logic với nhau hơn; phần nguyên nhân của hạn chế từ nhận thức của doanh nghiệp cần làm sâu hơn; bổ sung giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp.

Kết luận tại cuộc họp, TS. Nguyên Huy Hoàng yêu cầu đổi tên chương I là những vấn đề chung và kết cấu thành 03 phần: quan niệm, đặc điểm, vai trò; thẩm quyền; các yếu tố đảm bảo. Chương III đổi tên là quan điểm và giải pháp; bổ sung giải pháp tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp.

Với kết quả cho điểm của Hội đồng, Đề tài được xếp loại Khá.

Tin: Đậu Hiền

Ảnh: Hữu Thắng