Nghiệm đề tài khoa học cấp cơ sở 2023: “Phối hợp giữa kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan thanh tra nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”
Ngày đăng:  22/12/2023 | 02:40 CH | 206
Ngày 22/12/2023, Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ (Hội đồng nghiệm thu) đã tổ chức buổi họp nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở 2023: “Phối hợp giữa kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan thanh tra nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”. Đề tài do TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, TTCP, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu chủ trì buổi họp.
...

Qua quá trình nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài đã làm rõ hoạt động Kiểm toán nhà nước (KTNN) là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Thanh tra nhà nước (TTNN) là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền  hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. TTNN và KTNN đều là những cơ quan có trách nhiệm trong việc xem xét, đánh giá lại hoạt động của các cơ quan nhà nước, DNNN trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó KTNN chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tài c hính công, việc sử dụng ngân sách nhà nước, còn thanh tra có phạm vi rộng, bao quát hơn, trên tất cả các lĩnh vực của quản lý nhà nước.

Mục đích của hoạt động thanh tra và KTNN có những điểm tương đồng là đều nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước, qua đó phát hiện và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, hoàn thiện quy định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Do đó, hai hoạt động này khó tránh khỏi sự trùng lắp, việc tăng cường phối hợp trong hoạt động thanh tra và kiểm toán là điều cần thiết để gia tăng hiệu quả của cả hai hoạt động này.

Trên thực tế, một số quy định bước đầu đã được ban hành để bảo đảm sự phối hợp tốt giữa hai hoạt động này. Việc phồi hợp trên các khía cạnh như xây dựng kế hoạch, tiến hành thanh tra, kiểm toán (trao đổi thông tin, dữ liệu, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán), theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị… giữa KTNN khu vực và Thanh tra tỉnh còn  hạn chế. Việc phối hợp chưa đồng đều giữa các địa phương, quy trình xây dựng kế hoạch kiểm tra và thanh tra cũng khác nhau, đặc biệt là thời gian xây dựng kế hoạch kiểm toán sớm hơn thanh tra nên dẫn tới sự bị động của cơ quan thanh tra trong việc phối hợp để xây dựng kế hoạch.

Chỉ thị 20/QĐ-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp cũng đã đề ra nhiều giải pháp để tăng cường phối hợp, khắc phục chồng chéo giữa hai hoạt động này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, mang tính tình thế, quá trình triển khai các giải pháp này cũng chưa được đánh giá một cách đầy đủ để tìm ra các vướng mắc và nguyên nhân.

 Với cách tiếp cận truyền thống, đề tài tập trung nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận, đánh giá được thực trạng và đề xuất các quan điểm, giải pháp. Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Những vấn đề chung về phối hợp giữa KTNN khu vực và cơ quan TTNN cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán ii) Thực trạng phối hợp giữa KTNN khu vực và cơ quan TTNN cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, iii) Quan điểm, giải pháp phối hợp giữa KTNN khu vực và cơ quan TTNN cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, cách tiếp cận khoa học. Sản phẩm đầy đủ, dày dặn, bố cục hợp lý, đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.  Tổ chức thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, có giá trị khoa học và ứng dụng cao.

Để chất lượng đề tài được hoàn thiện hơn, cần bố cục lại cho cân đối hợp lý dụng lượng giữa 3 chương, cô đọng, ngắn gọn, súc tích.

Chương I, chỉnh tiêu đề là: Những vấn đề chung. Tập trung làm rõ 3 nội dung: Các quan niệm, khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa, vai trò của sự phối hợp giữa KTNN khu vực và cơ quan TTNN cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Chủ thể, nội dung, phương thức; Các yếu tố tác động đến hiệu quả của việc phối hợp.

Chương II, phân tích không chỉ dựa vào khảo sát, cần bám sát thực tiễn hơn.

Chương III, chỉnh tiêu đề là: Quan điểm, giải pháp tăng cường.

Mục yếu tố tác động cần thể hiện lại cho rõ nghĩa hơn. Rà soát lại đánh giá những hạn chế và giải pháp cho đảm bảo tính thống nhất và logic.

Kết thúc cuộc họp, Đề tài “Phối hợp giữa kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan thanh tra nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán” được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Xuất sắc./.

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng