Nghiệm đề tài khoa học cấp cơ sở 2023: “Tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin phòng, chống tham nhũng của cơ quan báo chí”
Ngày đăng:  21/12/2023 | 04:12 CH | 207
Ngày 21/12/2023, Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ (Hội đồng nghiệm thu) đã tổ chức buổi họp nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở 2023: “Tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin phòng, chống tham nhũng của cơ quan báo chí”. Đề tài do ThS. Hoàng Diệu Anh, Trưởng phòng, Báo Thanh tra, TTCP làm chủ nhiệm. TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT), TTCP, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu chủ trì buổi họp.
...

Qua quá trình nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài đã làm rõ Báo chí Việt Nam là một phần không thể thiếu của đời sống xã hội và chính trị của đất nước. Theo Luật Báo chí năm 2016, quy định có 4 loại hình báo chí, gồm: báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình. Báo chí Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và thay đổi suốt chiều dài lịch sử. Báo chí cũng đã phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân. Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội…

Báo chí có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, điều này được quy định rõ trong nhiều văn kiện của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những năm gần đây, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ thông qua việc Đảng và Nhà nước đã xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên sai phạm trên tinh thần “không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không ngừng, không nghỉ”.

Vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với phòng, chóng tham nhũng cũng được thể hiện tại Điều 9 Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, quy định: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng, hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng”. Thực tế, báo chí đã phát huy được vai trò của mình và được xem là một trong những lực lượng xung kích, tiên phong.

Hiện nay, các báo chí ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự cạnh tranh với các nền tảng công nghệ, tin giả tràn lan, kinh tế báo chí…và sự giám sát, hạn chế từ Chính phủ. Việc tiếp cận, khai thác thông tin gặp nhiều khó khăn từ phía cơ quan nhà nước, nhất là các thông tin liên quan đến các sai phạm, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc đăng tải thông tin còn chưa kịp thời, thậm chí sai lệch về thông tin, tạo dư luận không tốt. Hành lang pháp lý cho việc tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin chưa hoàn thiện, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chưa rõ ràng, ý thức đạo đức của một bộ phận người làm báo chưa cao, còn thiếu sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền…

Với cách tiếp cận truyền thống, đề tài tập trung nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, pháp lý và thực trạng tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng, từ đó đưa ra quan điểm, giải pháp, kiến nghị nhằm bảo đảm cho các cơ quan báo chí trong tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Cơ sở lý luận về tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về phòng, chống tham nhũng của cơ quan báo chí; ii) Thực trạng việc tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin về phòng, chống tham nhũng của cơ quan báo chí; iii) Quan điểm, giải pháp bảo đảm việc tiếp cận, khai thác đăng tải thông tin về phòng, chống tham nhũng của cơ quan báo chí.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, có tính cấp thiết, lý luận có chiều sâu, đảm bảo có tính mới, có giá trị khoa học. Sản phẩm đầy đủ, bố cục hợp lý, tổ chức thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Để chất lượng đề tài được hoàn thiện hơn, cần bổ sung các công trình nghiên cứu có liên quan, phương pháp nghiên cứu bổ sung thêm phương pháp phỏng vấn sâu, so sánh, nghiên cứu tình huống, rà soát lại mục tiêu nghiên cứu và phạm vi về thời gian.

Chương I, nên thay “quan niệm” bằng “khái niệm”.

Chương II, bổ sung thêm các vụ việc, số liệu thực tiễn sau năm 2018 cho dày dặn dung lượng, bám chặt hơn các quy định pháp luật, chỉnh lại một số tiêu đề.

Chương III,  bố cục gồm 3 mục: Quan điểm giải pháp; Giải pháp hoàn thiện pháp luật; Giải pháp tiếp cận, khai thác, đăng tải thông tin.

Đề tài cần bổ sung thêm kết luận và kiến nghị cụ thể. Biên tập lại mục lục, hình thức sản phẩm theo đúng quy định.

Kết thúc cuộc họp, Đề tài “Tiếp cận, khai thác và đăng tải thông tin phòng, chống tham nhũng của cơ quan  báo chí” được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Xuất sắc ./.

 

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng