Họp Nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2023: “Vai trò của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong phòng, chống tham nhũng”
Ngày đăng:  19/12/2023 | 02:05 CH | 143
Ngày 18/12/2023, Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ (Hội đồng nghiệm thu) đã tổ chức họp nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2023: “Vai trò của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong phòng, chống tham nhũng” do ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) làm chủ nhiệm.
...

Qua quá trình nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài đã làm rõ Hội đồng nhân dân (HĐNDĐHĐ) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Vai trò của HĐND cấp tỉnh trong hoạt động PCTN chủ yếu thông qua việc ban hành nghị quyết và hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương. Vì vậy, vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN là việc các chủ thể của HĐND thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn  ban hành các nghị quyết và giám sát việc tuân theo pháp luật về công tác PCTN ở địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Nhìn chung, vai trò của HĐND cấp tỉnh trong thời gian qua đã được tăng cường thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực và đã bước đầu tác động tích cực đến công tác PCTN, bảo đảm việc thực thi pháp luật, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế như: Công tác ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh liên quan đến công tác PCTN còn chưa kịp thời, chưa được chú trọng thực hiện. HĐND cấp tỉnh chưa đưa ra được nhiều kieenhs nghị xác đáng dể nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Một bộ phận đại biểu kiêm nhiệm chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của cơ quan dân cử mà mình là thành viên. Kinh phí hoạt động còn hạn chế, phương thức giám sát còn đơn giản, chủ yếu là nghe trình bày báo cáo nên kết quả đạt được chưa cao…

Với cách tiếp cận truyền thống, đề tài đã làm rõ những vấn đề lý luận, đi sâu phân tích thực trạng các quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện vai trò HĐND cấp tỉnh trong PCTN và đề xuất những giải pháp. Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Những vấn đề chung về vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN, ii) Thực trạng vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN, iii) Giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao vai trò của HĐND cấp tỉnh trong PCTN.

Thay mặt Hội đồng, TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, nghiêm túc trong nghiên cứu, sản phẩm đầy đủ, bố cục cơ bản hợp lý, đáp ứng được mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đúng tiến độ, có giá trị khoa học và ứng dụng cao. Tuy nhiên, để chất lượng đề tài được hoàn thiện hơn, Chủ nhiệm đề tài cần hoàn thiện thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, tại chương I, tên mục điều chỉnh lại, mục 1.1 bỏ đuôi, mục 1.2, 1.3, 1.4 cần làm rõ hơn. Phương thức, ngoài 2 phương thức chính có thể bổ sung thêm các phương thức khác như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Những yếu tố ảnh hưởng nên cô đọng lại, không chỉ có tiêu cực, cần bổ sung thêm tích cực.

Thứ hai, tại chương II còn dàn trải, chưa trọng tâm, nên biên tập lại cho rõ ràng, tường minh hơn, tập trung vào thực tiễn thực thi vai trò chứ không phải thực tiện hoạt động. Bổ sung thêm thông tin công tác PCTN, một số chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh trong đánh giá ưu điểm, hạn chế.

Thứ ba, tại chương III,  đưa ra 3 nhóm giải pháp, bổ sung thêm giải pháp gắn với công tác PCTN.

Kết thúc cuộc họp, Đề tài “Vai trò của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong phòng, chống tham nhũng” được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Xuất sắc./.

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng