Vai trò giám sát của Ban thanh tra nhân dân đối với hoạt động của chính quyền và trong phòng, chống tham nhũng ở Việt nam    
Cập nhật: 28/09/2020 02:48
Xem lịch sử tin bài

Thanh tra nhân dân ở Việt Nam là thiết chế xã hội được hình thành có tính chất lịch sử, thành lập trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Thanh tra nhân dân có chức năng chính là thực hiện giám sát hoạt động của các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước, đặc biệt là trong hệ thống hành pháp, có vai trò quan trọng trong phát hiện và kiến nghị để cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước.

Trong bối cảnh đổi mới hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng hiện nay, đòi hỏi phải nhìn nhận và có giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như các bảo đảm để Thanh tra nhân dân phát huy được vai trò của mình.

 

Trước hết, sự ra đời của Thanh tra nhân dân ở Việt Nam xuất phát từ bản chất dân chủ của nhà nước, bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mặc dù không được quy định trong Hiến pháp nhưng sự ra đời của Thanh tra nhân dân cũng thể hiện nguyên tắc bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước. Tinh thần này được ghi rõ trong Hiến pháp năm 1959, tiếp tục được kế thừa và phát triển cho đến nay. Tại Điều 6 Hiến pháp năm 1959 đã quy định: “Tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân”.  Điều 8 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Tất cả các cơ quan Nhà nước và nhân viên Nhà nước phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.  Điều 8 Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”. Khoản 2, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.

 

Về cơ sở pháp lý, văn bản pháp lý đầu tiên quy định về Thanh tra nhân dânQuyết định số 25/TTg ngày 09 tháng 01 năm 1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị cơ sở chính quyền, kinh tế, sự nghiệp. Trong giai đoạn này, sự ra đời của Thanh tra nhân dân là nhằm kết hợp chặt chẽ giữa ban kiểm tra của quần chúng nhân dân với thanh tra của Chính phủ và tạo điều kiện cho nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình trong việc kiểm tra,  giám sát các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, các hợp tác xã và nhân dân trong việc quản lý kinh tế, văn hóa xã hội, trật tự, đời sống, v.v... Ban Thanh tra nhân dân do chính quyền cơ sở hoặc thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp cơ sở trực tiếp tổ chức và chỉ đạo, Ủy ban thanh tra hướng dẫn về nghiệp vụ;  có nhiệm vụ giúp chính quyền cơ sở và thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp động viên rộng rãi nhân dân và cán bộ, công nhân viên trong đơn vị cơ sở đó thường xuyên làm những công việc sau:

 

- Kiểm tra mọi người thuộc đơn vị cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với đơn vị đó; trong việc chấp hành các chính sách của Đảng, kế hoạch và luật pháp của Nhà nước, nội quy của đơn vị để kịp thời phát hiện và bài trừ các hiện tượng tiêu cực nhằm góp phần thúc đẩy hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước và xây dựng đơn vị vững mạnh;

 

- Tham gia góp ý kiến với chính quyền cơ sở hoặc thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp trong việc xét, giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo hoặc các kiến nghị, thỉnh cầu của nhân dân thuộc trách nhiệm đơn vị mình giải quyết[1].

 

Như vậy, ngay từ giai đoạn đầu mới được thành lập, phạm vi nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân rất rộng và được coi là lực lượng góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

 

Nghị định số 182-CP ngày 26 tháng 4 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản Quy định về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước không đề cập đến Thanh tra nhân dân trong đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước mà xác định hình thức kiểm tra của công nhân, viên chức trong đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước thông qua hoạt động của Ban thanh tra của công nhân, viên chức (gọi tắt là ban thanh tra công nhân). Ban Thanh tra công nhân có vị trí là tổ chức thanh tra của quần chúng và là tổ chức cơ sở của hệ thống thanh tra Nhà nước, do hội nghị công nhân, viên chức bầu ra, với nhiệm kỳ hai năm. Ban thanh tra của công nhân có nhiệm vụ tổ chức việc giám sát và kiểm tra thường xuyên tại chỗ mọi hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó có việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, việc chấp hành các chính sách, chế độ của Nhà nước, nội quy của đơn vị; việc chấp hành các quy định về bảo vệ cơ sở, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo hộ lao động; việc khắc phục các mặt tiêu cực trong công tác quản lý, việc chống quan liêu, cửa quyền, làm phiền hà dân; việc tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, khiếu tố thuộc trách nhiệm của đơn vị giải quyết….[2]. Điểm đáng lưu ý là trong giai đoạn này, Thanh tra nhân dân có thể được hiểu gắn liền với thanh tra nhà nước (là tổ chức cơ sở của hệ thống thanh tra Nhà nước).

 

Đến Nghị quyết số 26/HĐBT ngày 15 tháng 2 năm 1984 của Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra đã có sự phân biệt thanh tra nhà nước và Thanh tra nhân dân qua đánh giá tình hình ở thời điểm này là: “Tổ chức thanh tra chuyên trách đã được xây dựng ở 40 tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, ở hầu hết các huyện, quận và các ngành quản lý kinh tế, sự nghiệp ở Trung ương và tỉnh, thành phố. Tổ chức Thanh tra nhân dân được phát triển ở nhiều xã, phường, tổ chức thanh tra công nhân phát triển ở nhiều đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp”.

 

Pháp lệnh thanh tra ngày 01 tháng 4 năm 1990 của Hội đồng nhà nước chính thức quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và ở cơ quan hành chính, sự nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh. Các tổ chức thanh tra Nhà nước hướng dẫn nghiệp vụ cho các Ban Thanh tra nhân dân. Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cùng Hội đồng bộ trưởng quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân [3]. Tiếp đó, Luật Thanh tra năm 2004 và Luật Thanh tra năm 2010 đều quy định Thanh tra nhân dân được tổ chức dưới hình thức Ban Thanh tra nhân dân. Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. Nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước[4].

 

Hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Hiện nay, thực hiện theo Luật Thanh tra năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Kế thừa Nghị định 99/2005/NĐ-CP, phạm vi giám sát của Ban Thanh tra nhân dân được quy định tại Nghị định số 159/2016/NĐ-CP khá rộng, gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng.

 

Phạm vi giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập gồm:  việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị; vệc sử dụng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước, sử dụng các quỹ, chấp hành chế độ quản lý tài chính, tài sản và công tác tự kiểm tra tài chính của cơ quan, đơn vị; việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc giải quyết khiếu nại, t cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; vic thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị;

 

Phạm vi giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước gồm: việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật; việc thực hiện các nội quy, quy chế của doanh nghiệp; việc thực hiện chính sách, chế độ của nhà nước, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước; việc sử dụng các loại quỹ tại doanh nghiệp; việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến ngh, phản ánh; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của người đứng đầu doanh nghiệp; việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật tại doanh nghiệp; việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc xử lý vụ việc tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp[5].

 

Bên cạnh Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành, vai trò, vị trí của Ban Thanh tra nhân dân còn được quy định trong nhiều văn bản khác trong lĩnh vực thực hiện dân chủ ở cơ sở, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể, trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 đã quy định: Nhân dân thực hiện việc giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân [6].

 

Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn, trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng[7]. Hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, trong  đó quy định Ban Thanh tra nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng thông qua các hình thức:

 

- Tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, cán bộ, người lao động về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; trực tiếp thu thập các thông tin, tài liệu trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

 

- Phát hiện hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

 

- Trực tiếp hoặc thông qua Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, Ban chấp hành công đoàn cơ sở kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, hành vi tham nhũng và giám sát việc giải quyết đó.

 

Vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng[8]. Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Sự ra đời của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã chấm dứt hiệu lực thi hành Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP không có quy định chi tiết về vai trò, trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân trong giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

 

Thực hiện pháp luật về Thanh tra nhân dân, các tổ chức Thanh tra nhân dân đã được thành lập và phát huy được vị trí, vai trò của mình trong giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho đến hết 2015 thì cả nước có 61.599 Ban Thanh tra nhân dân, chiếm tỷ lệ 97,52% trong tổng số 63.168 cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc đối tượng phải thành lập Ban Thanh tra nhân dân. Trong đó có: 28.380 Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước; chiếm tỷ lệ 46,07%; 30.939 Ban Thanh tra nhân dân ở đơn vị sự nghiệp công lập chiếm tỷ lệ 50,23%[9]. Đã có 35.638 Ban Thanh tra nhân dân xây dựng quy chế làm việc (chiếm 57,85% tổng số Ban Thanh tra nhân dân đã thành lập), 37.351 Ban Thanh tra nhân dân (chiếm 60,64% tổng số Ban Thanh tra nhân dân đã thành lập) có xây dựng Chương trình, kế hoạch hoạt động của nhiệm kỳ, hàng năm; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và tổ chức triển khai thực hiện. Với kết quả này, có thể thấy việc thành lập các Ban Thanh tra nhân dân được thực hiện khá nghiêm túc theo quy định của pháp luật và tỷ lệ khá lớn các Ban Thanh tra nhân dân hoạt động có nền nếp thông qua việc ban hành quy chế và chương trình kế hoạch hoạt động cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân vẫn còn những hạn chế, bất cập, cụ thể là:

 

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành tổng kết thi hành Luật Thanh tra và có đề nghị cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010. Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, có nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị không nên quy định Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra, bởi lẽ Thanh tra nhân dân chỉ là một trong các phương thức thực hiện quyền giám sát của xã hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2004 và Luật Thanh tra năm 2010 quy định về việc tổ chức các Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn và tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, tiêu chí để xác định một số tổ chức, đơn vị bắt buộc phải tổ chức Thanh tra nhân dân cũng chưa rõ ràng bởi quy mô cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước cũng rất khác nhau. Riêng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, vai trò giám sát của Thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng chưa được quy định rõ ràng.

 

Thứ hai, về hoạt động, thực tiễn cho thấy, hoạt động Thanh tra nhân dân ở một số địa phương, đơn vị đã có kết quả tích cực. Tại nhiều xã, phường, thị trấn, các Ban Thanh tra nhân dân đã phát huy vai trò giám sát của mình đối với hoạt động của chính quyền, góp phần phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị thì vai trò của Thanh tra nhân dân còn mờ nhạt, nhất là các Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Bởi lẽ, người được bầu tham gia các Ban Thanh tra nhân dân đều là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong khi phải thực hiện nhiệm vụ là giám sát hoạt động của thủ trưởng đơn vị nên hiệu quả giám sát bị hạn chế.

 

Việc hướng dẫn nghiệp vụ làm công tác Thanh tra nhân dân trong thời gian qua chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong  phạm vi cả nước. Nhiều thành viên của các Ban Thanh tra nhân dân không hiểu rõ chức trách, nhiệm vụ của mình và thiếu kỹ năng nghiệp vụ khi tham gia các Ban Thanh tra nhân dân.

 

Kính phí dành cho hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân còn hạn chế. Chỉ có các Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được bố trí nguồn kinh phí rất ít để hoạt động. Các Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hầu như không được bố trí nguồn kinh phí phù hợp. Vì vậy, người tham gia các Ban Thanh tra nhân dân không chuyên tâm để thực hiện nhiệm vụ được giao.

 

Để phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong phòng, chống tham nhũng và khắc phục được những hạn chế, bất cập trên đây, cần thực hiện một số giải pháp sau:

 

Một là, cần thống nhất nhận thức Thanh tra nhân dân chỉ là hình thức giám sát của nhân dân, không có liên hệ trực tiếp với thanh tra nhà nước. Đây là hai loại hình kiểm soát khác nhau. Thanh tra nhà nước là việc xem xét, đánh giá, xử lý việc chấp hành pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, mang tính quyền lực. Thanh tra nhân dân chỉ có nhiệm vụ phát hiện và thông tin, kiến nghị từ phía xã hội. Vì vậy, nên có Luật khác điều chỉnh giám sát của Ban Thanh tra nhân dân (tách chế định Thanh tra nhân dân ra khỏi Luật Thanh tra) với nội dung kế thừa các quy định về Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay và một số quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở và giám sát đầu tư của cộng động.

 

Hai là, quy định cụ thể việc tổ chức các Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở và các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với thực tiễn, không nên quy định chung việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

 

- Cần quy định rõ việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân là bắt buộc ở cấp xã, phường, thị trấn. Trong bối cảnh hiện nay, khi thực hiện chủ trương hợp nhất một số xã, phường và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, cần điều chỉnh số lượng theo hướng tăng thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở một số địa phương cho phù hợp với thực tiễn.

 

- Với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước chỉ nên thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở những cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy mô thực sự lớn (dựa vào mô hình tổ chức, phân cấp quản lý và số lượng người làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị) bởi lẽ, hiện có nhiều cơ chế tham gia vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức đơn vị đó. Vấn đề là cần phát huy vai trò của các cơ chế đó như thế nào. Việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp nhà nước cũng cần phải được quy định cho phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp nhà nước chi phối…).

 

- Giới hạn nội dung giám sát của Ban Thanh tra nhân dân cho phù hợp với thực tế, bảo đảm hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung và gắn trực tiếp với mục đích phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đơn vị.

 

Ba là, sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết bảo đảm phát huy vai trò của xã hội, trong đó có vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong phòng, chống tham nhũng; hướng dẫn về trình tự, thủ tục trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong việc  thu thập thông tin, kiến nghị, phản ánh, tham gia xác minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

 

Bốn là, bảo đảm cơ chế lựa chọn người tham gia Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm cao, có kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn bảo đảm sự linh hoạt. Cần nghiên cứu tăng thời gian nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân lên 5 năm nhưng có cơ chế lựa chọn để hàng năm có sự sàng lọc để miễn nhiệm thành viên Ban Thanh tra nhân dân không đủ năng lực và lựa chọn thành viên tích cực, có trách nhiệm, chuyên môn phù hợp để bầu bổ sung.

 

Năm là, quy định cụ thể chế độ đãi ngộ đối với người tham gia Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nguồn kinh phí cho các Ban Thanh tra nhân dân hoạt động cần được tách thành nguồn riêng thông qua Mặt Trận Tổ quốc hoặc Liên Đoàn lao động, không phụ thuộc vào kinh phí của chính quyền địa phương và kinh phí hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 

Sáu là, đổi mới phương thức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng tham gia Ban Thanh tra nhân dân, nhất là tập huấn các kỹ năng phát hiện, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị./.

 

TS.Nguyễn Tuấn Khanh

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra



[1] Điều 1, Điều 2 Quyết định số 25/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 09 tháng 01 năm 1976 về việc tổ chức ban TTND ở các đơn vị cơ sở chính quyền, kinh tế, sự nghiệp.

[2] Điểm a Điều 22 Nghị định số 182-CP ngày 26 tháng 4 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản Quy định của Hội đồng Chính phủ về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước

[3] Điều 26 Pháp lệnh thanh tra năm 1990

[4] Điều 58, Điều 59 Luật Thanh tra năm 2004; Điều 65, Điều 66 Luật Thanh tra năm 2010.

[5] Điều 29 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban TTND.

[6] Khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007.

[7] Khoản 1 Điều 88 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005

[8] Khoản 2 Điều 77 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

[9] Báo cáo số 144-BC/ĐĐTLĐ ngày 25/11/2015 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Tổng kết đánh giá kết quả 10 năm (2005-2015) thực hiện Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

 

Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: