Hội nghị phê duyệt Thuyết minh và tuyển chọn chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ “Giáo dục liêm chính nhằm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở Việt Nam”
Ngày đăng:  22/03/2025 | 08:37 CH | 103
Ngày 21/3/2025, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Viện CL&KHTT) tổ chức Hội nghị phê duyệt Thuyết minh và tuyển chọn chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ “Giáo dục liêm chính nhằm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở Việt Nam” (Hội nghị) theo kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2025 của Thanh tra Chính phủ. Đề tài do TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác phát triển, Viện CL&KHTT đăng ký làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện CL&KHTT - Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị.
...

 Trình bày Thuyết minh đề tài, TS. Nguyễn Thị Thu Nga cho biết, liêm chính là giá trị quan trọng của nền công vụ cũng như toàn xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Nền công vụ của mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có nền quan trị nhà nước hiện đại luôn có những giá trị cốt lõi mang tính phổ quát, có thể kể đến như công bằng, minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình, hiệu lực, hiệu quả… Trong đó, liêm chính luôn được xác định là một trong các giá trị nền tảng quan trọng. Công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực để có thể đạt được hiệu quả bền vững thì không chỉ tập trung vào việc phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà còn đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa vững chắc thông qua việc cải thiện các giá trị cốt lõi của nền công vụ nói riêng và xã hội nói chung, trong đó có liêm chính. Giáo dục liêm chính là tổng thể các biện pháp của Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về liêm chính cho cán bộ, công chức và toàn xã hội để khuyến khích hành động liêm chính, hướng trọng tâm vào mục tiêu PCTN, lãng phí, tiêu cực.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Nga, giáo dục liêm chính nhằm PCTN, lãng phí, tiêu cực vẫn còn một số hạn chế. Giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức chưa được coi trọng đúng mức và được tiến hành một cách bài bản. Chưa có cơ quan chuyên trách để thống nhất quản lý và tổ chức triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước. Phương pháp giáo dục liêm chính còn hình thức, đơn điệu, thiếu hiệu quả, nội dung thiên về lý thuyết, chưa tác động sâu rộng làm thay đổi quan điểm, nhận thức cũng như thay đổi hành động, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Việc tổng kết, đánh giá về giáo dục liêm chính chưa đánh giá hiệu quả thực chất của giáo dục liêm chính nói chung và tác động của việc giáo dục liêm chính đối với công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực…

Đề tài có mục tiêu làm sáng tỏ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý và thực tiễn để đề xuất các giải pháp giáo dục liêm chính nhằm PCTN, lãng phí, tiêu cực ở Việt  Nam.

Để làm rõ mục tiêu đề ra, Đề tài dự kiến nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Cơ sở lý luận về giáo dục liêm chính nhằm PCTN, lãng phí, tiêu cực; ii) Thực trạng giáo dục liêm chính nhằm PCTN, lãng phí, tiêu cực ở Việt Nam; iii) Quan điểm, giải pháp giáo dục liêm chính nhằm PCTN, lãng phí, tiêu cực ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trong phần nhận xét của thành viên Hội đồng, ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Phó Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ - Ủy viên phản biện cho rằng, nâng cao giáo dục liêm chính nhằm PCTN, lãng phí, tiêu cực cần tập trung vào nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức trong lĩnh vực công, để cán bộ, công chức không có hành vi tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ…

Theo ThS. Lê Thị Thúy - Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện CL&KHTT - Ủy viên Hội đồng, Đề tài cần làm rõ phạm vi, đối tượng nghiên cứu phù hợp với mục tiêu giáo dục liêm chính nhằm PCTN, lãng phí, tiêu cực. Theo đó, ở phạm vi đề tài này, Đề tài cần tập trung nghiên cứu ở khu vực công và đối tượng là cán bộ, công chức…

ThS. Lê Đức Trung - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CL&KHTT - Ủy viên thư ký cho rằng, việc nghiên cứu Đề tài cần bổ sung Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/4/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đề tài cần làm rõ mục tiêu cụ thể qua việc bổ sung quy định pháp luật và thực thi pháp luật. Nội dung 2 của Đề tài cần đánh giá quy định pháp luật và thực thi pháp luật liên quan đến nội dung nghiên cứu và nghiên cứu giải pháp nhận thức về giáo dục liêm chính ở Nội dung 3.

Việc PCTN, lãng phí, tiêu cực cần tăng cường giáo dục liêm chính, do vậy sản phẩm đầu ra của Đề tài phải giải quyết vấn đề về chủ thể, nội dung, phương pháp giáo dục liêm chính… Đây là ý kiến của TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, theo TS. Nguyễn Quốc Văn - Chủ tịch Hội đồng, Đề tài cần tiếp cận theo chủ thể để làm rõ vấn đề cần nghiên cứu. Về thành viên nghiên cứu, có thể bổ sung thêm thành viên là cán bộ từ Ban Tuyên giáo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.... Mục tiêu chung đề tài là làm sáng tỏ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý và thực tiễn để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục liêm chính nhằm PCTN, lãng phí, tiêu cực. Về tính cấp thiết, Đề tài cần làm rõ thực trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tràn lan làm suy giảm sự liêm chính; giáo dục liêm chính, phòng ngừa tham nhũng là cách làm phổ biến trên thế giới trong PCTN; khái quát thực tiễn PCTN trong thời gian qua để thấy vai trò của giáo dục liêm chính trong công tác này; bám sát chỉ đạo của Đảng có liên quan đến lĩnh vực này. Về nội dung nghiên cứu, Nội dung 1, cần bổ sung quan niệm, đặc điểm, nội dung của liêm chính, giáo dục liêm chính, giáo dục liêm chính trong PCTN; phân tích chủ thể, đối tượng, nội dung, phương thức giáo dục liêm chính trong PCTN, lãng phí, tiêu cực; Nội dung 2, Đề tài cần có thực trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực trạng khung chính sách, pháp luật quy định về vấn đề này; thực trạng giáo dục liêm chính của Đảng, của Nhà nước, của các Tổ chức chính trị xã hội, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về vấn đề này. Nội dung 3, Đề tài cần nêu rõ quan điểm và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục liêm chính nhằm PCTN, lãng phí, tiêu cực.

Kết thúc Hội nghị, trên cơ sở kết quả đánh giá, chấm điểm Thuyết minh đề tài của các thành viên Hội đồng, Đề tài được phê duyệt để triển khai trong năm 2025 - 2026./.

 Tin: Thanh Minh

Ảnh: Hữu Thắng